Cách để duy trì động lực bằng lý tưởng

Khi bắt đầu làm điều gì mới chúng ta thường cảm thấy hào hứng nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, thường là vài tuần hoặc tệ hơn là vài ngày, thì tự nhiên thấy chán, thấy nản, không muốn làm nữa. Hai lý do chính khiến chúng ta bị mất động lực đó là: Làm điều gì mà lặp lại hoài thì thì tự nhiên cảm giác chán nản hoặc là làm hoài mà không có kết quả thì nản.

Vì vậy, duy trì động lực là một vấn đề rất nhiều người quan tâm khi muốn thành công. Nhưng một điều kì lạ là động lực là một cái gì đó tiềm tàng. Với người thành công, tự nhiên họ có điều gì đó bền bĩ nhẹ nhàng mà cứ thôi thúc họ làm việc, thôi thúc họ cố gắng mãi.
Có 2 kiểu người luôn duy trì được động lực làm việc: kiểu người tham vọng lớn và kiểu người có lý tưởng lớn. Hai kiểu người này đều có ước mơ lớn, nhưng người tham vọng thì ước mơ cho bản thân, còn người có lý tưởng thì ước mơ cho mọi người, cho xã hội. 
Người tham vọng trong lúc chinh phục ước mơ sẽ dễ vì ích kỷ cá nhân mà làm điều xấu để đạt được tham vọng và chịu quả báo đau khổ về sau. Còn khi đạt được tham vọng rồi sẽ dễ cảm thấy trống rỗng, cô đơn vì khó có bạn bè thật lòng chia sẽ.
Người có lý tưởng thì trong lúc chinh phục lý tưởng đã có nhiều niềm vui. Vì làm được bao nhiêu thì đã có bấy nhiêu người được lợi ích. Khi mọi người được lợi ích, hạnh phúc vì điều chúng ta làm thì tự nhiên chúng ta cũng có niềm vui, hạnh phúc. Còn khi đạt được lý tưởng rồi thì người có lý tưởng sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn bao giờ hết. Vì trước đó đã đem lại quá nhiều niềm vui, hạnh phúc, lợi ích cho rất nhiều người khác. 
Vậy nên, để duy trì được động lực, chúng ta không nên làm người tham vọng mà hãy trở thành người có lý tưởng. Khi có lý tưởng rồi thì chúng ta sẽ tự nhiên có động lực, không những thế cuộc sống chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Vậy thì làm sao để có được lý tưởng trong công việc ? 
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi:
Nếu không làm việc vì tiền bạc, địa vị, danh vọng, chúng ta sẽ làm việc vì điều gì khác nữa? 
Nếu chúng ta có câu trả lời, nghĩa là chúng ta đã có một công việc có ý nghĩa. Ý nghĩa ở đây không biết lớn hay nhỏ, nhưng ít nhất là công việc đó đã có ý nghĩa. Khi ý nghĩa trở thành rất lớn thì nó sẽ trở thành lý tưởng. Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa theo các cấp độ sau:
Ý nghĩa đầu tiên là vì lo lắng cho gia đình, cha mẹ, con cái…
Ý nghĩa lớn hơn đó là vì lợi ích, sự phát triển của công ty, của tập thể mình đang làm việc.
Ý nghĩa lớn hơn nữa đó là vì lợi ích của khách hàng, người sử dụng các sản phẩm.
Ý nghĩa lớn hơn nữa đó là vì lợi ích của xã hội, khi tới mức độ này thì ý nghĩa trở thành lý tưởng.
Khi chúng ta làm cho người thân có niềm vui vì một món quà nào đó thì tự nhiên chúng ta cũng cảm thấy đó là việc có ý nghĩa và cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tương tự như thế, nếu chúng ta làm cho càng nhiều người có niềm vui thì chúng ta sẽ càng thấy việc mình làm có ý nghĩa. Từ đó, niềm vui của chúng ta cũng càng lớn. Niềm vui lớn khi làm việc chính là động lực âm thầm nhẹ nhàng nhưng bền bĩ.
Như vậy, khi chúng ta làm một công việc, sản xuất, kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ gì đó,chúng ta nên gửi vào đó ước mơ người sử dụng sản phẩm sẽ được nhiều lợi ích, niềm vui, thậm chí hạnh phúc càng tốt. Khi chúng ta có ước mơ như thế thì chúng ta sẽ biết cách điều chỉnh để những gì mình đem đến cho mọi người, cho xã hội tốt đẹp hơn, hữu ích hơn, ý nghĩa hơn. 
Nếu như đang làm công việc hiện tại không trực tiếp đem lại lợi ích cho người người khác thì ngoài chi tiêu thiết yếu, chúng ta có thể trích một phần lương hàng tháng ra để làm việc thiện nguyện nào đó. Đó là cách tạm thời để công việc của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn, có lý tưởng hơn.
Ngoài ra, những điều sau cũng sẽ củng cố động lực làm việc của chúng ta. 
1. Động viên người khác.
Khi thấy người nào gặp khó khăn, buồn khổ, chán nản chúng ta hãy động viên giúp đỡ họ. Khi chúng ta giúp người khác có tinh thần vượt qua khó khăn buồn khổ chán nản thì chúng ta cũng sẽ có tinh thần mạnh mẽ khi đối diện với khó khăn buồn khổ chán nản. 
2. Ước mơ lớn nhưng làm từng việc nhỏ.
Chúng ta cần có ước mơ, lý tưởng lớn nhưng không vì thế mà làm việc quá sức. Cơ thể mệt mỏi quá độ hoặc đầu óc căng thẳng thì ý nghĩ tiêu cực dễ nảy sinh, sự chán nản cũng dễ phát sinh khi quá mệt mõi dù là thể chất hay tinh thần.
Chúng ta cần chia nhỏ ước mơ đó ra và làm từng bước nhỏ vừa sức. Hoàn thành từng mục tiêu nhỏ cũng là cách để có động lực làm tiếp mục tiêu tiếp theo.
Tóm lại, để có thể duy trì động lực, chúng ta cần phải thay đổi mục tiêu sống sao cho có ý nghĩa, có lý tưởng hơn, thường xuyên động viên, giúp đỡ người khác, chia nhỏ ước mơ và hiểu rằng thất bại 1 vài lần là điều bình thường.
Chúc các bạn luôn duy trì được động lực làm việc, nếu các bạn thấy clip này hữu ích, hãy đăng ký, like share để bạn bè người thân cùng biết. Cảm ơn các bạn.

Leave a Reply