Cách để mọi người tôn trọng mình

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường nghĩ rằng phải có tiền bạc, địa vị, danh vọng thì mới được tôn trọng. Nhưng đó là một quan điểm chưa thật sự đúng. Vì có những người khi về hưu rồi, quyền lực, địa vị hết rồi những vẫn được người khác hết mực quý mến, tôn trọng. Còn cũng có những người tuy giàu có, có địa vị cao nhưng lại không được tôn trọng.

Sự khác biệt này là vì sự tôn trọng không gắn liền với quyền lực, địa vị hay danh vọng. Tiền bạc, quyền lực, địa vị chỉ tạo ra sự e dè, sợ hãi chứ không tạo ra sự tôn trọng. Sự tôn trọng gắn liền với một điều khác mà chúng ta sẽ thấy trong câu clip ngắn.
Chúng ta có thể rút ra 2 bài học là:
Người nào càng làm nhiều hơn bổn phận của mình, chịu khó giúp đời, giúp người, đem lại nhiều lợi ích cho mọi người, cho xã hội thì sẽ càng được tôn trọng.
Người nào càng khiêm tốn, thương người, dù địa vị cao nhưng vẫn tôn trọng người kém hơn mình thì sẽ được tôn trọng kể cả khi đã địa vị đó đã mất.
Các bậc vĩ nhân đều có những đức tính này và vì thế mà dù cho họ không còn sống nữa thì họ vẫn được rất nhiều người tôn trọng. Bác Hồ vĩ đại cũng vậy, ngày xưa Bác là lãnh tụ của cả một đất nước nhưng Bác vẫn hòa đồng, chan hòa cùng mọi người, quan tâm từng người dân, người chiến sĩ như người nhà của Bác. Một chuyện nhỏ trong rất nhiều chuyện cảm động về Bác là có lần Bác đã nhường cả phần cơm của mình cho một cụ già răng yếu để ăn phần thức ăn cứng hơn, dỡ hơn. Sự vĩ đại của Bác không chỉ là vì Bác là một lãnh tụ tài ba mà còn là vì tấm lòng đạo đức sáng ngời của Bác.
Hoặc nhà khoa học vĩ đại Isaac Newton cũng từng nói rằng: “Những điều tôi biết chỉ là một giọt nước, những điều tôi không biết là cả một đại dương”. Người có những phát minh vĩ đại như thế nhưng vẫn tự thấy mình kém cỏi.
Hoặc gần gũi hơn là bác sĩ Trần Hoàng Minh, học Trường ĐH Houston (Mỹ) và tốt nghiệp ĐH Queensland (Úc) đã từ bỏ cơ hội giàu sang ở Mỹ mà về một Bệnh viện tuyến quận ở Gò Vấp để làm việc. 
Khi TS.BS Phạm Hữu Quốc, giám đốc bệnh viện Gò Vấp gặp bác sĩ Minh, ông đã tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi đi hỏi lại: “Tại sao em lại xin về đây khi mà thu nhập tại các bệnh viện công không bằng các bệnh viện tư và càng chênh lệch rất nhiều so với bác sĩ làm việc tại Mỹ ?”. Lúc đó bác sĩ Minh trả lời: “Em đi làm chỉ vì yêu thích công việc. Em không đặt nặng về lương. Em nghĩ đủ sống là được rồi”.
Một thời gian không lâu sau đó, bác sĩ Minh đã được rất nhiều người từ đồng nghiệp đến bệnh nhân đều rất tôn trọng và quý mến dù xét về tiền bạc, địa vị thì bác sĩ Minh chẳng là gì.
Ở phạm vi nhỏ hơn, trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng sẽ thấy người nào năng nổ, có nhiều đóng góp hữu ích cho tập thể thì tự nhiên ý kiến, lời nói và chính người đó được tôn trọng hơn. Người đó cũng sẽ được cả tập thể nhớ đến, tôn trọng kể cả khi không còn trong tập thể.
Tóm lại, để được tôn trọng, chúng ta cần làm 2 điều: 
Thứ nhất là: Sống vì người khác nhiều hơn vì bản thân, giúp người, giúp đời, tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn là đòi hỏi quyền lợi cá nhân.
Thứ hai là: Sống khiêm tốn, quan tâm, tôn trọng tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, sang hay hèn.
Làm được 2 điều này thì chúng ta sẽ được tôn trọng, quý mến kể cả khi chẳng có quyền lực, địa vị gì trong tay.
Ngoài 2 yếu tố chính này thì một vài yếu tố phụ là kiến thức, tài năng, … Có các yếu tố này thì sẽ dễ được tôn trọng hơn nhưng không thể thay thế cho 2 yếu tố về đạo đức vừa rồi. Vì dù tài năng, kiến thức, quyền lực giàu có bao nhiêu mà thiếu đạo đức thì chẳng ai tôn trọng, chỉ là e dè sợ hãi thậm chí là khinh thường nếu đạo đức quá tệ.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý đó là: nếu chúng ta chăm chú tìm kiếm sự tôn trọng thì lại càng không được tôn trọng.
Vì sao như thế? Vì khi chúng ta giúp người giúp đời mà trong đầu cứ mong muốn sự tôn trọng nghĩa là chúng ta không phải là người tốt thật sự. Lúc đó, chúng ta giúp người, giúp đời nhưng thật ra chỉ là vì cái lợi ích gì đó cho cá nhân chúng ta. Và đó cũng chỉ là sự ích kỷ được ngụy trang mà thôi. 
Mà những người thông minh tinh tế có sự cảm nhận rất hay, có thể họ không biết cụ thể trong tâm chúng ta nghĩ gì, nhưng khi chúng ta giúp đời giúp người vì mục đích vụ lợi thì tự nhiên họ sẽ cảm nhận điều đó và không tôn trọng chúng ta.
Vậy nên, dù biết rằng cứ cống hiến, đóng góp, giúp đời, giúp người thì chúng ta sẽ được tôn trọng nhưng chúng ta phải loại bỏ cái mục tiêu được tôn trọng đi. Cứ làm 1 cách vô tư, rồi tự nhiên mọi người sẽ tôn trọng chúng ta. 
Thêm một điều nữa là không phải ai cũng ủng hộ việc tốt, có một số người chưa đủ duyên lành sẽ thấy những việc giúp đời, giúp người là ngu, là khờ, là dại, và họ sẽ chê bai, thậm chí là chửi người làm việc tốt. Nhưng khi chúng ta không lấy sự tôn trọng làm mục tiêu thì bị chê bai, bị chửi chúng ta không buồn, không giận. Và cũng nhờ thế mà chúng ta có thể thanh thản hơn trước những lời khen chê của người xung quanh. 
Đương nhiên là chúng ta sẽ được tôn trọng nhiều hơn là chê bai, nhưng thực tế cuộc sống là như thế, có khen thì phải có chê. Chúng ta phải hiểu như thế để có thể tiếp tục giúp đời, giúp người một cách thanh thản dù cho bị một vài người chê bai, chửi bới. Và hạnh phúc thật sự cũng đến từ việc cống hiến cho cuộc đời một cách thanh thản như thế.
Chúc cho tất cả chúng ta đều sẽ sống vì người khác hơn vì bản thân, khiêm tốn và tôn trọng được mọi người. Được như thế, chúng ta chắc chắn sẽ được tôn trọng. 
Nếu các bạn thấy clip này hữu ích, hãy đăng ký, like, share để bạn bè và người thân cùng biết nhé. Cảm ơn các bạn.

Leave a Reply