Cách tạo thói quen

Thói quen có thể nói là một yếu tố quan trọng để đạt được những mục tiêu nhỏ như giảm cân, học tiếng Anh, học đàn, học kĩ năng hoặc mục tiêu lớn như phát triển bản thân, thành công … Vì tất cả những điều đó đều cần sự lặp đi lặp lại hằng ngày. Và nếu như bạn vẫn chưa tạo được thói quen tốt, hãy thử những điều sau:

Thứ nhất: Tạo 1 khởi đầu dễ ợt.
Theo Giáo sư đại học Stanford BJ Fogg: động lực của chúng ta có lúc đi lên và có lúc đi xuống, ông gọi đó là “Sóng động lực.”
Vì vậy, khi bắt đầu tạo thói quen mới, chúng ta không nên đặt mức độ khó quá cao như ở mức A. Vì khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ cuộc khi động lực đi xuống. Chúng ta nên chọn một thói quen với độ khó sao cho cảm thấy dễ dàng để bắt đầu. Khi độ khó đó đã trở nên quá dễ dàng, thì chúng ta lại tăng độ khó lên để cảm thấy dễ dàng lần nữa. Và cứ thế chúng ta tăng độ khó lên hoài mà vẫn cảm thấy dễ dàng.
Vd: Thay vì bắt đầu nhảy dây 1000 cái mỗi ngày, hãy bắt đầu với 30 cái mỗi ngày hoặc hơn tùy sức mỗi người sao cho khi nhảy xong thấy đổ 1 chút mồ hôi là được. Sau đó cứ tăng dần số lượng miễn sao khi nhảy xong thấy đổ 1 chút mồ hôi. Mình đã thực hiện cách này mà tăng dần lên đến 1000 cái mỗi ngày. Hoặc khi thực tập thiền cũng vậy, bắt đầu với thời gian rất ngắn như 3-5 phút và tăng dần theo thời gian.
Thứ hai: Luôn giữ độ khó ở mức vừa sức.
Chúng ta thường rơi vào 2 cực đoan,
A: ổn định quá mức hay gọi là lười
B: cố gắng quá mức hay gọi là muốn đốt cháy giai đoạn.
Nghiên cứu cho thấy để có thể phát triển lâu dài thì chúng ta cần phải duy trì ở trạng thái ở giữa, vừa sức vừa chừng, tránh thiên lệch cực đoan bên nào. Vì khi ổn định quá mức hay lười thì chúng ta sẽ chẳng đạt được thành tựu gì cao hơn, còn cố gắng quá mức hay đốt cháy giai đoạn thì chúng ta sẽ nhanh chóng kiệt sức rồi bỏ cuộc.
– Nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào cực đoan là vì lòng tham. Tham nhàn hạ, hưởng thụ thì ổn định quá mức đến mức lười. Tham thành tựu, thành công thì cố gắng quá sức đến kiệt sức luôn. Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận đừng để lòng tham điều khiển thì mới thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Lưu ý:
– Khi muốn bỏ:
+ Hoặc đó là dấu hiệu của lười biếng, lúc đó chúng ta cần nhớ rằng: sự nhàn hạ, hưởng thụ trong hiện tại sẽ làm chúng ta hết phước dẫn đến đau khổ trong tương lai.
+ Hoặc đó là dấu hiệu quá sức, chúng ta hãy tạm nghỉ và giảm độ khó của thói quen xuống, sau khi cảm thấy độ khó đó là dễ, hãy tăng độ khó đó lên, cứ nghĩ ngơi miễn đừng để trở thành lười là được.
– Chúng ta cũng cần tránh hội chứng niềm tin lệch lạc (false hope syndrome) như:
+ Ảo tưởng về kết quả đạt được trước khi làm: Những kiểu suy nghĩ như mình sẽ thành công, sẽ được khen ngợi rồi phấn khích, hưng phấn quá mức khi mới bắt đầu và trong quá trình hình thành thói quen đều là 1 dạng ảo tưởng lệch lạc.
+ Ảo tưởng về thời gian: nghĩ rằng mình sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian quá ngắn so với thời gian thực tế, để rồi khi thời gian mình nghĩ đã đến, mà mục tiêu vẫn chưa tới đâu dẫn đến nản và bỏ cuộc. Theo nghiên cứu mới nhất của khoa học thì thời gian để hình thành thói quen là 18-254 ngày, những thói quen càng khó thì càng cần nhiều thời gian.
+ Ảo tưởng về độ khó: nghĩ rằng mình sẽ làm được dễ dàng để rồi không chuẩn bị tâm lý nên gặp khó khăn là bỏ.
Về những thói quen để phát triển bản thân thì khó để tạo ra hơn. Ví dụ như thói quen kiểm soát cơn giận, thói quen tự tìm khuyết điểm của bản thân để sửa, thói quen cẩn thận xem xét lời nói trước khi nói…
Những thói quen này chúng ta đều biết nó là tốt và muốn có nhưng nó là 1 cái gì vô hình, không phải là 1 việc cụ thể để chúng ta có thể nắm bắt và nó cũng diễn ra quá nhanh, chỉ trong 1/100 giây thì nó đã trôi qua mất. Vì vậy rất khó để luyện tập được nó, nhưng nếu biết cách áp dụng luật nhân quả thì chúng ta sẽ làm được. Nhân quả của những thói quen tốt này là kính trọng, ngưỡng mộ được Người có đạo đức cao, những nhà hiền triết, những Bậc Thánh. Càng kính trọng, ngưỡng mộ được những Người có đạo đức càng cao thì chúng ta càng dễ hình thành được những thói quen đạo đức như kiểm soát cơn giận, tự tìm khuyết điểm để sửa, cẩn thận trong lời ăn tiếng nói.
Tóm lại, để tạo được thói quen tốt chúng ta cần phải bắt đầu với độ khó ở mức dễ dàng, sau đó tăng lên sao cho vẫn cảm thấy dễ dàng, đồng thời tránh 2 cực đoan là lười biếng hoặc cố gắng quá sức. Còn với những thói quen thuộc về đức tính thì chúng ta phải hiểu, ngưỡng mộ và kính trọng được những Người có đạo đức càng cao càng tốt.
Và nếu các bạn thấy chia sẽ này hữu ích, đừng quên like share nhé, cảm ơn các bạn.