Cách vượt qua sự rụt rè nhút nhát theo tâm lý, luật nhân quả | HatBuiNho

Sự rụt rè nhút nhát gây ra rất nhiều trở ngại trong cuộc sống của chúng ta. Ai cũng muốn vượt qua nó nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu bạn vẫn đang vật vã với căn bệnh nhút nhát rụt rè, hãy thử áp dụng theo 6 bước sau.

  • 1 Chấp nhận sự từ chối
Khi muốn đưa ra ý kiến chúng ta nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chấp nhận ý kiến của mình bị bác bỏ, phản đối. Vì việc lo lắng bị bác bỏ, bị phản đối là nguyên nhân chính khiến chúng ta không dám nói lên ý kiến của mình. Chúng ta cần giảm bớt việc xem trọng ý kiến của mình, vì mọi ý kiến đều có thể đúng hoặc sai tùy vào hoàn cảnh, tùy góc độ. 
Mặc dù khi mình nói ra ý kiến đương nhiên là mình phải nghĩ nó đúng mới nói. Nhưng người khác nhìn từ góc độ khác thì có thể nó lại sai. Nên mình không thể chắc chắn rằng đưa ra ý kiến là sẽ được sự ủng hộ từ mọi người. Mọi người chấp nhận ủng hộ cũng được, mọi người phản đối bác bỏ cũng chẳng sao.
Điều quan trọng mình cần quan tâm đó là là lợi ích chung của mọi người chứ không phải chuyện ý kiến mình đúng hay sai. Mình cứ nêu lên ý kiến, nếu tốt cho mọi người thì mọi người chấp nhận, nếu mọi người thấy không tốt thì không chấp nhận. Còn ý kiến của mình thì đừng xem nó quan trọng quá vì sẽ khiến chúng ta rụt rè nhút nhát khi nêu ý kiến.
  • 2 Đừng nghĩ rằng mình luôn được chú ý.
Đừng nghĩ rằng mọi người lúc nào cũng đang nhìn chằm chằm soi xét, đánh giá mình. Thật ra mọi người có xem xét, đánh giá mình nhưng không nhiều như mình nghĩ. Lúc nào cũng nghĩ mọi người đang chằm chằm soi xét đánh giá mình là suy nghĩ sai lầm khiến chúng ta trở nên rụt rè nhút nhát.
Vd: Mình lỡ nói 1 câu gì đó ngớ ngẫn khiến cho đám bạn cười ầm lên, kết quả là mình cứ nhớ về tình huống đó nhiều ngày liên tục. Trong khi thực ra đám bạn của mình chỉ cười lúc đó, sau đó thì đã quên chuyện đó từ lâu rồi.
 
  • 3 Hướng sự chú ý đến người khác.
Thay vì lúc nào cũng quan tâm người khác nghĩ gì về mình, hãy chuyển thành quan tâm tới người khác đang cần gì, đang như thế nào. Khi luôn quan tâm tới người khác đang cần gì, đang như thế nào thì tự nhiên mình sẽ biết cách cư xử phù hợp. Không những thế việc luôn quan tâm người khác cần gì, đang như thế nào sẽ tạo nên sự tinh tế trong cách cư xử của chúng ta. 
Lưu ý là phải xem mọi người có thật sự cần điều mình sẽ làm hay không. Vì đôi khi sự lanh lợi mà quá mức thì trở thành “tài lanh” gây rắc rối cho người khác.
Khi mình đem lại lợi ích cho mọi người thì sự rụt rè nhút nhát cũng tự nhiên biến mất.
Ví dụ: Khi đi ăn chung, mình thấy có người thiếu ghế, mình nên chủ động nhường ghế và lấy thêm ghế.
Hoặc là trong bàn tiệc mà có người ngồi xa thức ăn nên không gắp được, thấy vậy mình liền chủ động gắp cho họ (nhớ quay đầu đũa hoặc dùng muỗng đũa mới để đảm bảo vệ sinh). 
Khi mình làm được những việc có ích nho nhỏ như vậy thì tự nhiên sẽ giảm bớt nhút nhát rụt rè.
 
  • 4 Tự trọng chứ đừng sĩ diện hão
Trong một trận sóng thần ở Nhật Bản, một cậu bé người Nhật đã được một người ưu tiên đưa cho phần thức ăn cứu trợ trước vì cậu bé đứng tận cuối của một hàng dài những người xếp hàng nhận hàng cứu trợ. Tuy nhiên cậu bé đã không lấy mà đem lên bỏ vào thùng cứu trợ để mọi người được công bằng. Cậu bé đã xuất hiện trên mọi tờ báo trên thế giới và được cả thế giới ca ngợi.
Nếu chúng ta cũng làm như thế mà người xung quanh chửi sao mày ngu thế thì sao? Có 2 khả năng xảy ra: nếu vì sĩ diện hão, mình sẽ sợ bị chửi ngu và lần sau mình sẽ không làm thế nữa, nhưng nếu vì lòng tự trọng, người khác chửi ngu thì kệ, lần sau mình vẫn sẽ làm như thế tiếp.
Ở đây, người bị sĩ diện hão sẽ là người có cảm giác lo sợ về đánh giá của người khác bất kể đánh giá của người khác đúng hay sai. Còn người tự trọng thì không sợ sự đánh giá sai của người khác, điều gì đúng lương tâm đạo đức tốt mọi người thì cứ làm, mặc kệ người ngoài nói gì thì nói.
Như thế thì người có lòng tự trọng, biết sống dựa trên lương tâm đạo đức sẽ là người ít phải lo sợ đánh giá của người khác, từ đó cũng sẽ ít khi bị nhút nhát rụt rè.
  • 5 Không có thực hành, mọi thứ là vô nghĩa
Mọi lời khuyên sẽ là vô nghĩa nếu không áp dụng chúng vào thực tế. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách để thực hành những điều chúng ta học được. 
Chúng ta không thể vượt qua sự rụt rè nhút nhát nếu cứ ngồi ở nhà và comment trên mạng xã hội. Hãy tham gia thật nhiều các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện thực tế. Đó là môi trường tốt nhất để chúng ta áp dụng những gì đã học và thật sự vượt qua sự nhút nhát rụt rè. Nếu không cái ngày chúng ta trở nên mạnh dạn, năng động mãi mãi chỉ nằm trong trí tưởng tượng mà thôi.
  • 6 Nhớ rằng không ai nhút nhát mãi, và cũng không ai mạnh dạn mãi mãi
Mình từng biết 2 kiểu người: một là từ nhút nhát rụt rè trở nên mạnh dạn hoạt bát và hai là từ mạnh dạn hoạt bát trở nên nhút nhát rụt rè. Luật nhân quả lý giải điều này đều là do phước quyết định. Có phước tự nhiên sẽ mạnh dạn, hoạt bát. Kém phước tự nhiên sẽ nhút nhát rụt rè. 
Nên nếu chúng ta là người nhút nhát rụt rè, chúng ta cần biết rằng điều đó có thể thay đổi bằng cách làm nhiều việc thiện, làm phước. Và nếu chúng ta là người mạnh dạn hoạt bát chúng ta cũng cần biết rằng, tính cách này, ưu điểm này cũng không bền vững, chỉ cần hưởng phước quá nhiều thì tự nhiên trở nên nhút nhát rụt rè.
Vì thế, chúng ta nên giữ tâm thế trung lập, khi rụt rè nhút nhát thì không nên tự ti vì hoàn toàn có thể thay đổi. Khi đã trở nên mạnh dạn, hoạt bát rồi thì cũng không nên tự hào, tự mãn vì cũng hoàn toàn có thể mất đi ưu thế đó.
Nếu các bạn thấy những điều mình chia sẽ hữu ích hãy like & share để bạn bè và người thân cùng biết nhé. Cảm ơn các bạn.

Leave a Reply