Đồ vô học, mất dạy và cách đối xử với họ | HatBuiNho

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta rất dễ gặp những người mà xã hội thường gọi là “đồ vô học, mất dạy, vô văn hóa”. Khi đó phải đối xử với họ như thế nào?
Các bạn có thể xem video hoặc đọc nội dung bên dưới:

Đầu tiên chúng ta cần hiểu rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới đều có những “người vô học, mất dạy, vô văn hóa” hơn những người còn lại. Vì bản chất của từ “vô học, mất dạy, vô văn hóa” là khi một người có những hành động hay lời nói sai so với chuẩn mực của xã hội. Mà xã hội nào thì cũng có những người như thế thôi.
Vì thế không nên hễ gặp người vô văn hóa là mình chửi hoặc nghĩ thầm trong bụng là: “đúng là người Việt Nam”. Nói vậy là mình đã chửi luôn cả những người Việt có văn hóa khác, người Việt vẫn có nhiều người rất đáng được trân trọng.
Không những thế, việc quơ đũa cả nắm cũng giống như tự tô đen cả xã hội VN để rồi nhìn đời 1 cách tiêu cực. Khi nhìn đời tiêu cực rồi thì tư tưởng quan điểm của mình cũng dễ bị méo mó theo.
Vậy làm thế nào khi mà sự “vô học, mất dạy, vô văn hóa” làm mình thấy khó chịu bực bội? Đầu tiên phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại có những người vô văn hóa như thế.
Theo nghiên cứu của cục thống kê của Mỹ đã cho thấy những trẻ em ở gia đình nghèo thường sử dụng nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử hơn là tham gia các hoạt động xã hội và nhà trường. Mà con người thì không thể học tập các thái độ như bình tình, vị tha, cảm thông bằng cách chơi game hay xem phim hoạt hình, việc đó cần phải có tương tác xã hội. 
Đó là lý do những trẻ em này khi lớn lên không học được sự bình tĩnh, vị tha, hay cảm thông.
Điều này càng tồi tệ hơn khi cha mẹ vì nghèo nên thường xuyên căng thẳng và có cảm xúc tiêu cực sau đó thì trút sự căng thẳng, tiêu cực đó lên các em.
Điều này cũng thể hiện rất rõ trong nghiên cứu của tiến sĩ Keegan-Eamon. 
Áp lực về kinh tế sẽ khiến cha mẹ dễ la mắng, đánh đập con mình. Những em có cha mẹ như thế khi lớn lên sẽ có những tính cách như:
– Dễ bỏ cuộc, nỗi nóng khi gặp vấn đề trong cuộc sống. 
– Không hiểu cảm xúc của người khác.
– Thường có lời nói hành động sai với chuẩn mực xã hội mà chúng ta hay gọi là vô học, mất dạy.
Điều này trở thành nỗi ám ảnh với những người như thế vì không chỉ ở nhà mà ngoài xã hội họ cũng bị bơ vơ lạc lõng. Những điều này không chỉ đúng ở Mỹ mà ở Việt Nam cũng thế. 
Vì vậy, mình có thể thấy rằng những người mà xã hội gọi là “vô học, mất dạy, vô văn hóa” phần lớn là do bị gia đình, hoàn cảnh tác động. Nếu mình rơi vào hoàn cảnh y chang họ thì mình cũng khó mà tốt hơn họ. Vì thế, việc cần làm ở đây là thông cảm cho họ. 
Có bạn sẽ nói rằng: những hành động xấu cần phải lên án. Đúng! Chắc chắn là phải như thế. Nhưng vì mình vẫn là con người, nên khi lên án hành động xấu thì mình thường kèm theo cái ghét, cái bực tức, khinh bỉ người xấu.
Mình học được 1 đạo lý trong Đạo Phật đó là: mình phải ghét cái xấu nhưng không được ghét hay khinh bỉ người xấu. 
Sẽ có bạn nói rằng: Người xấu thì phải ghét chứ, không ghét sao được. 
Thật sự thì trước đây mình cũng nghĩ như thế. Nhưng điều đáng sợ của việc ghét hay khinh bỉ người xấu là quả báo của nó. Quả báo của việc ghét hay khinh bỉ người xấu là sau này mình sẽ trở nên xấu y chang người kia. Đó mới là điều đáng sợ.
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp những người đang tốt tự nhiên xấu đi mà không hiểu nguyên nhân vì sao. Đó là vì nghiệp mình đã ghét, khinh bỉ, chửi bới những người xấu. Các bạn không tin cứ để ý cuộc sống của chính các bạn. Hễ mình cười chê khinh thường người khác điều gì thì mình sẽ bị đúng ngay điều đó sau này.
Ông bà mình nói “cười người hôm trước hôm sau người cười” cũng là vì vậy.
Vậy nếu muốn giúp họ tốt lên thì có cách nào không? Theo sách Poverty in mind của tiến sĩ Eric Jensen, chúng ta hoàn toàn có khả năng giúp đỡ những người như thế. Ông đưa ra các bước như sau:
Thứ 1 là sự tôn trọng. Cần phải biết rằng các em nhỏ, những người như thế sẽ có phản ứng tiêu cực khi nghe người khác ra lệnh. Vì thế cần phải thể hiện sự tôn trọng và tình yêu thương để thay đổi tính cách của họ. Hãy khen ngợi mỗi khi họ làm việc tốt hoặc có thành tựu dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống. 
Thứ 2 là giúp họ hòa đồng với mọi người xung quanh. Hãy tạo điều kiện cho họ có cơ hội tham gia các hoạt động chung với những người tốt khác. Từ đó họ sẽ học hỏi được những tính cách tốt mà họ đã thiếu khi còn nhỏ.
Tóm lại khi gặp những người mà xã hội thường gọi là “vô học, mất dạy” thì việc đầu tiên là phải thông cảm cho họ, thứ hai là luôn nhớ rằng mình ghét hay khinh bỉ người xấu thì sẽ trở thành người xấu. thứ ba là nếu có cơ hội thì hãy thể hiện sự tôn trọng họ và giúp họ có cơ hội hòa đồng với những người tốt khác.
Chúc các bạn đều thông cảm được với những người vô văn hóa xấu tính để góp phần làm xã hội tốt lên.
Hãy đăng kí để theo dõi clip mới nhất, đừng quên like & share nếu bạn thấy hữu ích.

Leave a Reply