Đừng để nghèo và bị coi thường vì thói quen xấu này | HatBuiNho

Đầu tiên mình xin kể lại 1 câu chuyện khiến mình cảm thấy buồn vì có hình ảnh của chính mình và nhiều người Việt trong đó. Câu chuyện như sau:
Các bạn có thể xem clip hoặc đọc nội dung bên dưới:

“Người Việt các anh muôn đời sẽ khổ, vì các anh chỉ biết nghĩ đến cái lợi lộc nhỏ của cá nhân, mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”. Một kỹ sư Nhật Bản khi về nước đã không ngần ngại nói với công nhân Việt Nam như thế.
Ông giải thích rằng: “Một con vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 đồng mà rơi xuống sàn thì công nhân Việt Nam thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó không phải của các anh”. Hay như cuộc cáp điện chúng tôi nhập về giá 5 triệu đồng/mét, nhưng các anh cắt trộm và chỉ bán với giá có vài trăm nghìn đồng/mét.
Tuy nhiên, các anh chỉ đánh rơi một điếu thuốc lá đang hút dở giá chỉ 1.000 đồng thì các anh sẵn sàng nhặt lên chỉ vì nó là của các anh.
Những điều đó mang chỉ mang lại cho các anh một chút lợi lộc nhưng nó lại gây thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp vì chúng tôi bắt buộc phải nhập bổ sung hay nhập thừa so với cần thiết”.
Còn đối với lái xe của kỹ sư đó thì được ông tặng quà giá trị và tâm sự như sau: Tôi rất cảm ơn vì anh đã lái xe an toàn suốt 5 năm qua. Anh là người đảm bảo mạng sống cho tôi nên anh muốn gì tôi cũng chiều, nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết.
Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km mà anh khai hơn 100km tôi cũng ký, anh còn khai việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký tôi ký vì tôi cần anh vui vẻ khi lái xe để tôi được an toàn.
Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng các anh lừa được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều lần cho các anh.
Nhưng đáng phải tăng cho các anh 500.000 đồng thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 còn 300.000 chúng tôi giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh.
Cuối cùng là các anh tự hại các anh thôi. Còn phía chúng tôi cũng chỉ lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi cũng không mất gì”.
….
Sự thật thì không phải tất cả người Việt đều xấu như thế vẫn có người tốt, có trách nhiệm được người Nhật giao cho trọng trách làm giám đốc cả nhà máy của họ.
Nhưng đáng buồn là nhiều người Việt vẫn chưa tốt, và lại chiếm đa số nên người Nhật mới nói vậy. Bản thân mình cũng chẳng phải tốt lành gì vì nếu mình chưa đọc bài viết trên thì khi thấy 1 con vít giá 40.000 rớt mình cũng vô tâm mà đá văng đó đi thôi.
Khi mình đọc bài viết này rồi thì mình mới hiểu ra: thật sự dù mình chẳng làm hại ai, chẳng chửi bới, đâm thuê chém mướn, chẳng ma túy xì ke, nhưng vẫn chưa phải là người tốt vì mình chưa có trách nhiệm với những việc chung.
Mà trong khi luật nhân quả là: Để giàu có phải làm việc tận tụy, hết lòng, trách nhiệm với công việc chung lẫn riêng. Vậy mà mình cứ lo làm cho riêng bản thân mình, nghĩ rằng xong việc của mình là được, còn việc của ai mặc kệ họ.
Còn về chuyện khai khống, kê gian cố tình nói dối về chi phí để lấy lợi thì mình hiện tại vẫn chưa bị. Và mình cũng biết rằng hầu hết người trẻ sẽ không làm việc đó khi mới ra trường. Bởi vì trong trường học không dạy chúng ta điều đó, và ai cũng biết điều đó là xấu nên không làm.
Nhưng tại sao mình lại dùng từ “chưa bị” ở đây? Bởi vì mình biết rằng tính cách con người luôn luôn thay đổi, nay tốt mai xấu không biết được, chỉ trừ những người có đạo đức rất cao và các vị Thánh thì mới tốt mãi được thôi. Từ đó, mình cũng tự suy ra rằng bản thân mình hôm nay không gian dối thì ngày mai vẫn có thể gian dối như thường nên mình mới dùng từ “chưa bị”.
Và cũng từ đó mà mình hiểu ra rằng: người công nhân cắt trộm dây điện và người tài xế khai gian kia lúc đầu khi mới vào đời họ có thể đã không như thế. Nhưng vì lòng tham cứ luôn chực chờ để đè bẹp lương tâm của họ. Khi lương tâm thắng thì họ là người tốt, khi lòng tham thắng thì họ trở nên xấu. Và khi quen rồi thì họ tin và sống theo câu nói: luồn lách lươn lẹo lại lên lương.
Nhưng sự thật là ăn cắp 1 cuộn dây điện hay khai gian vài trăm ngàn đồng mỗi tháng không làm cho họ giàu lên. Đặc biệt là khi họ gặp những người chủ giỏi, đặc biệt là người nước ngoài, họ hiểu người Việt gấp 10 lần người Việt hiểu nhau. Vậy mà họ tưởng rằng có thể lừa người chủ của họ nhưng thật tế họ đang làm hại chính họ.
Họ làm hại chính họ khi phải lãnh mức lương rất bèo bọt so với công nhân nước khác, không những thế mà còn bị coi thường bởi người nước ngoài. Đó là điều đáng xót xa vì không chỉ riêng họ bị mang tiếng xấu, mà những người Việt tốt khác cũng bị gán cái mác không trung thực. Kết quả là người Việt đi đâu cũng khó được tôn trọng. Một người Việt muốn được tôn trọng ở nước ngoài thì phải phấn đấu hơn người nước ngoài nhiều lần thì mới được.
Mà không cần nói về cách nhìn của người nước ngoài cho xa, chính người Việt cũng coi thường và không muốn giao du kết bạn với người gian dối và vô trách nhiệm.
Ông bà ta nói: một lần bất tín vạn lần bất tin là vậy. Một khi đã dính cái mác gian dối vô trách nhiệm lên rồi thì sau này hối hận có muốn thay đổi thì cũng phải chật vật vô cùng.
Bởi vì nhận xét của mọi người đều bị thành kiến chi phối, nên nếu mình lỡ bị người khác có thành kiến là gian dối vô trách nhiệm rồi thì dù mình có sửa sai thì cũng rất khó mà thay đổi thành kiến của người khác. Một lần dại là cả đời hối hận, vì thế đừng dại!

Leave a Reply