Học cách sống mạnh mẽ hơn phần 2 – Hiểu đời | HatBuiNho

Như ở phần một mình đã nói, người biết cách sống mạnh mẽ là người chấp nhận được nghịch cảnh và chuyển hóa nó trở nên tốt hơn. Điều này thì ai cũng biết, nhưng khi đối mặt với nghịch cảnh thật sự thì không phải ai cũng đủ mạnh mẽ đủ để chấp nhận nó.

Vì sao như thế? Vì 2 điều:
Thứ nhất là:
Đó là vì đa số chúng ta thường không hiểu và không chuẩn bị đón nhận khó khăn, thất bại, đau khổ. Nếu một người đã chuẩn bị tinh thần đón nhận bất hạnh, thất bại, đau khổ rồi thì khi điều đó thật sự xảy ra, họ sẽ dễ chấp nhận để chuyển hóa nó hơn.
Vd: Một người lúc còn nhỏ sinh ra trong 1 gia đình rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Lúc đầu khi gánh vác việc mưu sinh trong gia đình, họ có thể cảm thấy buồn khổ lắm. Nhưng dần dần họ hình thành tâm lý là một ngày mới đầy khó khăn là bình thường. Sau này khi họ lớn lên, tâm lý đó đi theo họ và thường họ sẽ là người mạnh mẽ khi gặp khó khăn thất bại vì chuyện đó chẳng là gì so với những ngày tháng họ phải chạy ăn từng bữa.
Vì thế chúng ta cần biết trước những bất hạnh sẽ xảy ra trong cuộc sống để có thể chấp nhận nó và hóa giải làm cho nó tốt lên. Nói về khó khăn, bất hạnh thì mỗi người sẽ khác nhau về chi tiết nhưng đều có những đặc điểm mà Đức Phật đã dạy như sau:
Muốn nhưng không được.
Vd:
Muốn công việc phù hợp với sở thích, đam mê nhưng không được. Muốn sinh ra trong gia đình khá giả, giàu có nhưng không được. Muốn gia đình hòa thuận ấm êm nhưng không được…
Ghét nhưng phải ở gần.
Vd:
Sếp khó tính, đồng nghiệp ganh ghét, khách hàng khó chịu nhưng cứ phải tiếp xúc hằng ngày. Đường xá ngày nào cũng kẹt xe mà cứ phải đi mỗi ngày. Thời tiết oi bức mà không thể trốn đi đâu được…
Yêu thích nhưng phải xa.
Tùy người mà những điều họ yêu thích nhất sẽ khác nhau. Khi điều phải rời xa điều yêu quý nhất thì hầu như ai cũng gục ngã. Điều yêu quý nhất có thể là người chồng, người vợ, người con, là sự nghiệp, là gia tài, là danh vọng…
Bệnh.
Bệnh nan y là một trong những điều dễ khiến chúng ta dễ gục ngã nhất. Hầu như ai mắc bệnh nan y rồi thì tâm hồn đều trở nên yếu đuối, dễ tổn thương…
Ngoài ra còn có sự ra đời, sự già yếu và cái chết. Hầu hết người bình thường không biết làm nhiều điều thiện thì khi về già hoặc phải đối diện cái chết thì tinh thần đều trở nên yếu ớt.
Tất cả những điều như trên, muốn nhưng không được, ghét nhưng phải ở gần, yêu thích nhưng phải rời xa, già và chết thì không ai là không phải trải qua trong đời người. Người nào nghiệp nặng thì mức độ sẽ nặng, người nào phước nhiều, nghiệp nhẹ thì mức độ sẽ nhẹ hơn. Đã là con người không ai tránh được khó khăn, đau khổ, chỉ có Bậc Thánh Vô Ngã mới không khổ mà thôi.
Điều thứ hai khiến chúng ta không chấp nhận được nghịch cảnh đó là:
Đa số chúng ta không hiểu về sự vô thường trong đời người, chẳng có gì là tồn tại mãi trong cuộc đời này.
Vd: Chiếc xe đẹp, hiện đại nhưng qua 5-10 năm thì phải trở nên xấu, lạc hậu. Ngôi nhà đẹp, tiện nghi nhưng 30 năm sau thì cũng bị cũ kĩ, bất tiện. Cơ thể đẹp, khỏe mạnh nhưng trải qua 40 năm, 50 năm thì cũng trở nên xấu xí và yếu ớt. Tình yêu thì còn nhanh hơn, vài ba năm hoặc vài tháng, nếu hi hữu có bên nhau trọn đời thì trước cái chết cũng phải chia tay…
Vì không hiểu tất cả đều vô thường nên chúng ta cứ níu kéo quá khứ và trở nên đau khổ, yếu đuối khi sự vô thường xảy ra. Nếu muốn mạnh mẽ thì chúng ta phải hiểu rõ về sự vô thường. 
Vd:
Khi thành công phải nghĩ rằng thành công có thể không còn, đời người lên voi xuống chó là bình thường.
Khi có nhiều tiền cũng phải nghĩ rằng khi chết đi thì số tiền này cũng vô dụng với chúng ta, không thể đem tiền qua thế giới bên kia được mà chỉ có phước mới đem qua được mà thôi.
Ở đây sẽ có bạn thắc mắc rằng: nếu cứ nghĩ mọi thứ vô thường như thế thì cần gì phấn đấu, cần gì làm việc, cần gì cố gắng. Đây là một câu hỏi rất hay. 
Lý giải cho điều này đó là vì chúng ta hiểu sự vô thường chưa đúng. Vô thường ở đây là sự vô thường của những thành tựu, của tiếng tăm, của địa vị, quyền lực, tiền bạc, sức khỏe… Hiểu vô thường về những điều này là để đừng dính mắc vào nó, cố gắng, nỗ lực đạt được thì cũng nhớ nó vô thường để không tạo nghiệp xấu và có thể bình an, vui sống được khi những điều đó buộc phải mất đi. 
Chúng ta cũng cần lưu ý là từng nỗi khổ, khó khăn riêng lẽ thì cũng vô thường, để tự nhiên rồi cũng sẽ kết thúc, tức là kiểu như ông bà chúng ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Nhưng cái nhà máy sản xuất nỗi khổ, nỗi khó khăn tức là cái bản ngã thì không vô thường, không tự nhiên hết được mà buộc phải tu tập mới hết được. 
Nếu chúng ta không cố gắng, không nỗ lực làm việc đồng thời làm nhiều điều thiện thì khi khó khăn, đau khổ đến chúng ta sẽ không vượt qua được. Còn nếu nỗ lực cố gắng làm việc, làm nhiều điều thiện thì nghiệp xấu sẽ được chuyển hóa dần dần, nhờ vậy mà thoát được khổ đau dần dần.
Tóm lại là chúng ta cần hiểu những nỗi khổ của đời người, về sự vô thường nhưng không được thiếu nhân quả, lòng từ bi, lòng thương người… thì chúng ta mới sống vừa mạnh mẽ, vừa ý nghĩa, vừa an vui được.
Và nếu lần đầu xem kênh, đừng quên đăng ký kênh, like share nếu bạn thấy hữu ích nhé. Cảm ơn các bạn.