Học cách sống mạnh mẽ hơn bằng cách giảm bớt cái tôi | HatBuiNho

Người mạnh mẽ là người chấp nhận được mọi thứ về hoàn cảnh, bản thân và chuyển hóa chúng trở nên tốt hơn một cách nhẹ nhàng. Họ sống thiên về trí tuệ và lương tâm hơn là về cảm xúc.

Bạn có thể xem clip hoặc đọc nội dung bên dưới:

https://www.youtube.com/watch?v=qaf0ZCwlkWM&f

Họ thường có những biểu hiện sau:

  1. Biết chấp nhận khó khăn dễ dàng và luôn tìm cách vượt qua thất bại.

Họ hiểu rằng những khó khăn, đau khổ là 1 phần tất yếu của cuộc sống. Mỗi người khác nhau sẽ có những khó khăn khác nhau tùy hoàn cảnh cụ thể. Vì thế họ vui vẻ đón nhận chứ không trốn tránh. Và cũng chính nhờ thái độ tích cực, lạc quan này mà họ vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.

Vd: Một người sinh ra trong gia đình nghèo nếu như yếu đuối thì sẽ than thân trách phận, trách cuộc đời bất công. Nhưng cùng 1 hoàn cảnh như thế, người mạnh mẽ, trí tuệ sẽ chấp nhận dễ dàng, hiểu rằng mình đã gây nghiệp xấu trong quá khứ nên bây giờ mới nghèo. Xem đây là cơ hội trả nghiệp, cơ hội để hiểu và thương được những người nghèo khác. Rồi phấn đấu làm phước, giúp đời, siêng năng làm việc để cải thiện đời sống tốt lên.

  1. Không phàn nàn hoặc dễ nổi nóng.

Một người mạnh mẽ hoàn toàn khác với một người nóng tính. Người mạnh mẽ thường điềm tĩnh trước những điều không như ý. Còn người nóng tính thì chỉ cần người khác làm trái ý mình là nổi nóng mặc kệ đúng sai khác quan. Người nóng tính nhìn có vẻ hùng hổ nhưng khi đối diện khó khăn lớn thì dễ trở nên nản lòng, yếu đuối.

Vd: Một người không ăn được hành lá, nên khi đi ăn dặn người bồi bàn đừng bỏ hành lá. Vậy mà khi đem ra lại có có hành lá. Nếu một người nóng tính liền nổi nóng và phàn nàn. Còn một người mạnh mẽ thì điềm tĩnh nhắc người bồi bàn rồi lấy hành ra rồi tiếp tục ăn vui vẻ.

  1. Tập trung phát triển bản thân hơn là mong cầu lời khen, sự công nhận của người khác.

Người mạnh mẽ không cần lấy động lực từ những lời khen, sự công nhận của người khác. Nội tâm họ mạnh mẽ để tự làm việc theo mục tiêu đã đề ra mà không cần ai động viên.  Họ quan tâm tới việc phát triển bản thân hơn là những lời khen chê bên ngoài. Không phải vì họ cố chấp mà là vì họ dựa theo 2 tiêu chuẩn:

Lương tâm: Điều gì đúng lương tâm, đúng đạo đức thì họ làm.

Hiệu quả công việc: Điều gì giúp cho công việc tốt lên thì họ làm.

Hai tiêu chuẩn này giúp người mạnh mẽ có tâm lý ổn định, vững vàng không dao động trước lời ra tiếng vào của người khác.

Vd:

Họ có thể luôn tắt điện, tắt quạt trong phòng khi ra ngoài để tiết kiệm điện cho công ty. Dù người khác chê là lo việc bao đồng, họ vẫn cứ làm vì làm thế tốt cho công ty nói riêng và xã hội nói chung.

  1. Bình tĩnh trong khủng hoảng, nguy cấp.

Khi có vấn đề bất ngờ gây ra khủng hoảng, mọi người đều rối bời nhưng người mạnh mẽ vẫn giữ được bình tĩnh để tìm giải pháp.  Đây là lúc nhận biết được người mạnh mẽ thật sự hay không.

Vd: Công ty thua lỗ, mọi người lo tìm việc khác, người mạnh mẽ thì bình tĩnh tập trung tìm giải pháp thay vì lo tìm việc khác. Vì vậy họ sẽ được đánh giá cao về lòng trung thành và cơ hội thăng tiến sau này.

 

Vậy làm sao để trở thành người mạnh mẽ?

Hãy cùng thử xem tình huống sau:

Một người đi thi tiếng Anh. Nếu kết quả thi rất quan trọng với người đó, họ phải đậu thì mới đi xin việc được thì thường sẽ lo lắng hồi hộp. Còn nếu cũng kì thi tiếng Anh đó, nhưng kết quả thi không quan trọng lắm, không đậu thì họ vẫn xin việc được thì thường sẽ thoải mái về tâm lý.

Vậy nghĩa là không phải kì thi làm người đó cảm thấy lo lắng, mà tùy vào kì thi đó có quan trọng với người đó hay không. Từ đó mình có thể suy ra là: Điều gì mình xem càng quan trọng thì mình càng mất bình tĩnh khi có được hoặc mất nó đi.

Cũng vậy, nếu mình xem ý kiến, lời nói, lợi ích, danh vọng, địa vị … của mình quá quan trọng thì khi ai đó đụng chạm đến những thứ đó mình sẽ dễ cảm thấy giận dữ, buồn bã, tự ái, lo lắng…Và vì thế mình trở nên yếu đuối.

 

Mình cũng được Thầy mình dạy rằng:

Người nào cái tôi – bản ngã càng lớn thì càng yếu đuối khi gặp khó khăn.

Cái tôi – Bản ngã lớn thể hiện qua những tính cách như:

– Sự ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân, lúc nào cũng tính cái lợi cho bản thân trước tiên.

– Hoặc là đố kỵ chỉ muốn người khác thua kém mình, thấy người khác hơn mình là khó chịu bực bội.

– Hoặc là tự hào, tự cao về bản thân mà không tự thấy nhược điểm của mình, tự cho mình là quan trọng hơn người khác…

 

Đức Đại Lai Lạt Ma cũng nói: Khỏe không phải là nhất lên mạnh mà là bỏ xuống nhẹ.

Bỏ xuống ở đây là bỏ xuống cái tôi – bản ngã. Người nào có thể nhẹ nhàng bỏ đi cái tôi, cái ích kỷ, cái muốn người khác theo ý mình, cái tự hào tự cao, tự hào tự cho mình hơn người … thì người đó sẽ mạnh mẽ khi gặp khó khăn.

Đó cũng là vì bản ngã lớn tạo ra sự lo lắng, buồn phiền, giận dữ, tự ái… Bản ngã giảm thì̀ những điều kia cũng giảm.

 

Một người trải qua nhiều lần thành công và thất bại cũng sẽ mạnh mẽ. Vì khi trải qua quá trình đó, họ hiểu rằng không có gì bền vững thật sự.

Họ hiểu ưu điểm của bản thân coi vậy chớ có lúc thì có, có lúc thì mất.

Họ hiểu lúc này họ hơn người khác nhưng rất có thể lúc khác lại thua kém.

Họ hiểu họ chỉ là 1 phần của xã hội chứ không phải là trung tâm của xã hội.

Chính vì họ thấy sự không bền vững của những gì thuộc về họ nên cái tôi – bản ngã họ giảm đi. Và khi bản ngã giảm thì họ trở nên mạnh mẽ, dễ chấp nhận nghịch cảnh một cách nhẹ nhàng.

 

Tóm lại vẫn là: Người nào cái tôi – bản ngã càng lớn thì càng yếu đuối khi gặp khó khăn.

Vậy nên muốn trở nên mạnh mẽ, tốt nhất vẫn là rèn luyện cho bản ngã mình nhỏ lại. Càng nhỏ thì càng mạnh mẽ. Rèn luyện 3 điều sau sẽ giúp bản ngã nhỏ dần đi:

 

Một là: Nếu mình luôn gặp được người giỏi hơn mình để nể phục thì bản ngã sẽ được giảm bớt.

Vì thế hãy luôn chủ động tìm kiếm những người giỏi hơn mình mà học hỏi. Người giỏi hơn mình có thể là  là những người rất gần gũi như cha mẹ, anh chị, bạn bè, đồng nghiệp … Quan trọng là mình chịu chấp nhận là mọi người có điểm giỏi hơn mình thì mình sẽ tìm thấy cái giỏi của họ. Ai cũng có cái hay, cái giỏi hơn mình, không ở mặt này thì mặt khác…

Hoặc người giỏi hơn có thể là những tấm gương thành công lớn. Tỷ phú Lý Gia Thành là một tấm gương đáng học hỏi. Ông vừa kinh doanh giỏi mà cũng vừa khiến người khác nể phục về đạo đức kinh doanh của ông. Hoặc Bill Gate, tỷ phú giàu nhất thế giới trong nhiều năm và dành trọn tuổi già cho việc từ thiện.

 

Hai là: Người nào biết sống vị tha, thương người thì bản ngã cũng nhỏ đi.

Sống vị tha nghĩa là ít lo cho bản thân, thường xuyên lo lắng cho người khác, nếu cần lo cho bản thân thì cũng là vì việc chung. Vì thế hãy tập quan tâm, lo lắng cho mọi người nhiều hơn, bắt đầu từ gia đình ra đến ngoài xã hội. Và sự lo lắng nên trở thành hành động cụ thể chứ đừng ngừng lại trong suy nghĩ. Những người có lý tưởng lớn vì xã hội sẽ có ý chí rất mạnh mẽ bền bỉ, đó những tấm gương rất đáng để họ học.

 

Ba là:Người nào càng khiêm tốn thì bản ngã càng nhỏ.

Khiêm tốn không phải là tự ti về bản thân mà nghĩa là tôn trọng được nhiều người. Gặp bất kì ai dù giàu nghèo, sang hèn, giỏi dỡ cũng tôn trọng được thì gọi là khiêm tốn. Để tôn trọng được tất cả mọi người, phải tìm ra những ưu điểm của họ. Khi thấy ưu điểm rồi thì mình mới tôn trọng họ thật lòng được.

Khiêm tốn còn có nghĩa là tự thấy được những nhược điểm của bản thân để cải thiện cho tốt lên. Có những quan điểm cho rằng chỉ tập trung vào ưu điểm của bản thân để tự tin. Nhưng tự tin như thế chỉ là ảo tưởng. Sự tự tin thật sự là phải biết rõ cả ưu điểm và khuyết điểm của bản thân. Đồng thời biết luôn cách cải thiện bản thân tốt lên.

 

Ba điều mình vừa chia sẽ chỉ kiềm hãm bản ngã chứ chưa diệt trừ được bản ngã. Muốn diệt trừ bản ngã thì phải tu theo Phật nhiều kiếp mới được. Tuy nhiên tập được 3 điều này thì chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn. Bản thân mình cũng là người yếu đuối, vì thế các bạn hãy cùng mình rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn ạ. Chúc các bạn đều trở thành những người mạnh mẽ để thành công và hạnh phúc hơn!

Các bạn hãy đăng ký để theo dõi clip mới nhất nhé.

Và đừng quên Like & Share nếu bạn thấy hữu ích.