Làm sao để có quyết định sáng suốt – Sống sáng suốt

Cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những quyết định của chính chúng ta. Nếu quyết định đó là sáng suốt, chúng ta sẽ sống hạnh phúc, thành công và ngược lại. Vì vậy, biết cách quyết định sáng suốt là rất quan trọng.

Nguyên nhân của sự thiếu sáng suốt thường là những vì sự chủ quan, vì lòng tham tiền bạc, của cải vật chất, sắc đẹp, hoặc bị các cảm xúc như giận dữ, lo sợ, ham thích lấn áp… Các yếu tố này thì chỉ trừ Bậc Thánh Vô Ngã ra, nếu đã là con người thì luôn luôn bị chi phối. Vì vậy chẳng có người nào hoàn toàn không tiếc nuối bởi sai lầm của chính mình. Nhưng không phải là không có cách để sống sáng suốt hơn, chúng ta có thể áp dụng những cách sau đây sẽ giảm những yếu tố đó đi và sống sáng suốt hơn:
a. Luyện tập góc nhìn như người ngoài cuộc.
Ông bà ta có câu: Việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Nghĩa là người trong cuộc thường không sáng suốt. 
Vd: Giả sử chúng ta mắc kẹt trong dòng người tham gia giao thông đang bị ùn tắc. Chúng ta sẽ không biết nên chờ đợi, hay rẽ phải, hoặc rẽ trái, hay quay lại là tốt nhất… Nhưng nếu chúng ta có thể quan sát sự ùn tắc giao thông từ trên trực thăng ở độ cao khoảng 100 mét, chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn. Chỉ khi đứng ngoài sự ùn tắc, chúng ta mới có thể quan sát được sự ùn tắc và ra được quyết định sáng suốt. 
Đây cũng là lý do khiến cho những người thông minh nhiều khi VẪN đưa ra quyết định sai lầm. Vì quyết định sáng suốt phụ thuộc vào chỗ chúng ta đứng, lượng thông tin chúng ta nắm bắt được chứ không phải chúng ta thông minh tới mức nào. 
Vì vậy, chúng ta cần phải có nhiều góc nhìn khác nhau thì mới dễ có được quyết định sáng suốt hơn. 
Nếu chúng ta làm lãnh đạo của một tập thể, chúng ta không nên tranh luận cùng với tập thể khi tập thể đang tranh luận. Vì làm như thế chúng ta sẽ bị cuốn vào bên trong cuộc tranh luận. Chúng ta chỉ nên đứng ngoài quan sát xem tất cả các ý kiến của tập thể rồi đưa ra quyết định cuối cùng.
b. Luôn đề phòng lòng tham. 
Dân gian có những câu: “Tham thì thâm” “Trăm cái dại, tại cái tham” “Thấy lợi tối mắt”. Lòng tham luôn luôn làm chúng ta mất đi sự sáng suốt. Hầu hết những vụ lừa đảo đều là dựa trên nguyên tắc kích động lòng tham vì khi lòng tham của chúng ta trổi dậy rồi thì sự sáng suốt chắc chắn mất đi. Nhưng biết là một chuyện, còn từ bỏ được lòng tham là chuyện khác.
Lòng tham thể hiện nhẹ nhẹ như khi chúng ta đi xin việc làm. Chúng ta thường thích chọn việc lương cao và quên mất các yếu tố về cơ hội học hỏi, phát triển sự nghiệp lâu dài. Nếu lỡ cần tiền gấp để giúp gia đình thì không nói, còn không gấp lắm thì việc quên các yếu tố lâu dài là 1 sự thiếu sáng suốt. 
Lòng tham thể hiện nặng hơn như khi nghe ai nói đầu tư 1 được lời 10 là thấy nôn nao, háo hức, bồn chồn, đầu óc cứ cuống cuồng với lời đề nghị đầu tư đó.
Để đối trị với lòng tham, chúng ta cần phải dùng phương pháp mà Đức Phật dạy đó là chiêm nghiệm về sự vô thường. Vô thường là tính chất không bền lâu, tính thay đổi của tất cả những thứ như tiền bạc, của cải, vật chất, danh tiếng, địa vị… và cả cơ thể này đều sẽ có ngày tan hoại biến mất, chỉ có tội và phước là đi theo chúng ta mãi mãi. Chúng ta cứ suy nghiệm như như thế đến khi trở nên bình tĩnh trở lại thì quyết định mới sáng suốt được.
c. Cân bằng cảm xúc trước khi quyết định.
Tất cả các cảm xúc mạnh, thiên lệch đều dễ khiến chúng ta mất đi sự sáng suốt. Vì vậy, khi thấy cảm xúc quá nhiều, buồn quá, vui quá, ham quá, lo lắng quá, giận quá, chán quá… thì chúng ta không được quyết định điều gì. Vì rất có thể sau đó chúng ta sẽ hối hận.
Vd như nhiều lần chúng ta đã mua những thứ không thật sự cần thiết chỉ vì thấy quảng cáo hay quá, ham quá để rồi mua về dùng được vài lần sau đó vứt một xó.
Giải pháp để khắc phục cảm xúc mạnh có 2 cách:
– 1 chiêm nghiệm sự vô thường như vừa rồi mình đã nói. Tất cả mọi thứ của chúng ta từ hữu hình như: tiền bạc, vật chất đến vô hình như: địa vị, danh tiếng đều không tránh được cái ngày tan hoại biến mất hoàn toàn. Cảm xúc ham thích khi muốn sở hữu 1 điều gì, 1 thứ gì đó cũng như thế, sở hữu rồi thì cảm xúc đó cũng dần dần tan biến.
– 2 áp dụng nguyên tắc 10-10-10 của Suzy Welcha đó là suy nghẫm tình hình sẽ ra sao sau: 10 phút nữa – 10 tháng nữa – 10 năm nữa. Trong 10 phút, thường chúng ta sẽ quyết định theo cảm xúc. Nhưng nếu nghĩ tới 10 tháng, 10 năm thì cảm xúc sẽ giảm xuống và thay thế bởi lý trí và sự sáng suốt.
Vd: Khi phải lựa chọn giữa học tiếng Anh, tập thể thao hay chơi game, nếu trong 10 phút thì cảm xúc chơi game đúng là lấn áp và chúng ta dễ chọn chơi game. Nhưng nếu nghĩ tới 10 tháng, 10 năm sau chỉ vì chơi game mà đánh mất nhiều cơ hội học tập, làm việc, thành công để rồi trở thành người kém dỡ trong xã hội, thì tự nhiên cảm giác thích chơi game sẽ giảm xuống, nhờ vậy mà dễ sáng suốt chọn học tiếng Anh, chơi thể thao hơn.
d. Đừng hơn thua.
Khi chúng ta thích hơn thua với người khác, chúng ta sẽ đánh mất sự sáng suốt. Vì khi hơn thua, chúng ta sẽ tập trung vào việc làm sao cho hơn người khác, thậm chí là công kích người khác mà quên mất mục đích chính là tìm ra quyết định, giải pháp tốt nhất. Khi quên mất mục tiêu chính thì chúng ta sẽ đi lệch đường, đưa ra quyết định sai là tất nhiên.
Không những thế, khi hơn thua thì chúng ta không thể thoát ra ngoài, đứng bên ngoài để quan sát hết mọi điều để có sự sáng suốt như ở phần a đã nói.
Để đối trị với tính hơn thua thì chúng ta phải tập sống vị tha, lo cho mọi người nhiều hơn là lo cho bản thân. Nếu cảm thấy chưa sống vị tha được, chưa muốn lo cho mọi người nhiều hơn lo cho bản thân được thì tính hơn thua sẽ vẫn còn đó, dù biết nhưng vẫn không diệt được.
5 e. Hiểu nhân quả sâu sắc.
Nếu chúng ta hiểu luật nhân quả không đủ sâu sắc, chúng ta rất dễ đưa ra những quyết định mà tưởng là sáng suốt nhưng 20, 30 năm sau mới biết đó là sai.
Vd: Một người mẹ nếu như hiểu nhân quả là thương con, chiều con, con muốn gì chiều liền cái nấy thì sau này sẽ được con mình thương, con mình chiều lại thì đã mắc sai lầm lớn. Vì nhân quả ở đây là: Thương con chỉ biết nuông chiều, sau này hết phước trăm điều khổ đau. 
Lý do ở đây là con mình chưa phải Thánh nên ước muốn của con mình vẫn có tốt xấu lẫn lộn, và những ước muốn xấu sẽ làm ảnh hưởng xấu tới người khác. Mình luôn nuông chiều con mình thì thế nào cũng có tiếp tay giúp con mình gây thiệt hại cho người khác. Quả báo trở lại là mình phải nhận lấy những thiệt hại mà người khác phải chịu từ con mình.
Trường hợp này, nếu người mẹ muốn con đối xử tốt với mình về sau thì phải dạy con biết sống đạo đức, vị tha, đem an vui, tốt đẹp tới cho mọi người. Và vì mình đã góp phần dạy con mình đem lợi ích tới cho người khác nên quả báo mình nhận lại là sẽ được lợi ích, an vui. Lợi ích an vui này có thể là từ con mình hoặc là từ người xung quanh.
Nếu nói về tâm lý học, thì chính cái đức tính đạo đức, vị tha mới là lý do mà con mình đối xử tốt với mình về sau. Vì nếu thiếu đạo đức thì con mình chỉ sống theo bản năng, kiếm tiền hưởng thụ, tốt nữa thì lo cho vợ, cho con chứ chẳng nhớ tới công ơn cha mẹ. 
f. Làm nhiều điều thiện.
Điều thiện, việc phước thì liên quan gì đến sự sáng suốt? 
Chúng ta cần hiểu rằng cuộc sống của chúng ta hoàn toàn bị chi phối bởi những điều tốt lẫn xấu mà chúng ta đã làm trong quá khứ theo luật nhân quả.
Khi đến lúc phải trả quả báo do những điều xấu chúng ta đã làm thì tự nhiên chúng ta sẽ có những quyết định sai lầm, thiếu sáng suốt để phải chịu khổ đau. 
Khi đến lúc nhận quả báo do những điều tốt chúng ta đã làm thì tự nhiên chúng ta sẽ có những quyết định đúng đắn, sáng suốt để được hạnh phúc.
Vd như một người đời trước là một người chồng lăng nhăng, vô trách nhiệm, làm khổ vợ con thì đời này sinh ra phải làm người nữ. Dù người nữ đời này hết sức cố gắng lựa chọn người chồng tốt nhưng cuối cùng chọn ngay 1 người mà, khi chưa cưới thì thấy rất tốt, cưới về rồi mới bắt đầu thấy lăng nhăng, vô tránh nhiệm, làm khổ vợ con.
Chính những điều xấu chúng ta đã làm, khiến chúng ta đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, sai lầm. Vì vậy, chúng ta cần phải làm nhiều điều thiện, việc phước để bù đắp lại những điều xấu trong quá khứ đã làm. Khi bù đắp được rồi, nhiều điều tốt được tích lũy rồi thì tự nhiên, chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt.
Tóm lại, để có thể sống sáng suốt hơn, chúng ta cần phải làm 6 điều sau:
a. Luyện tập góc nhìn như người ngoài cuộc.
b. Luôn đề phòng lòng tham. 
c. Cân bằng cảm xúc trước khi quyết định.
d. Loại bỏ tính hơn thua bằng tính vị tha.
e. Hiểu nhân quả sâu sắc.
f. Làm nhiều điều thiện.
Còn 1 điều chi phối ngầm các quyết định của chúng ta đó là bản năng. Nếu lý trí đủ mạnh thì không sao, nhưng nếu lý trí yếu thì bản năng sẽ chi phối hết và đưa ra quyết định thiếu sáng suốt. Vậy làm thế nào để nhận ra đâu là bản năng, đâu là lý trí để điều chỉnh quyết định cho đúng? Mời các bạn xem bài giảng sau ạ:
https://www.youtube.com/watch?v=Of-yvZOKSLc
Và nếu thấy nội dung mình chia sẽ hữu ích, đừng quên like share subcribe ủng hộ kênh nhé, cảm ơn các bạn.