Lỗi ai | Kỹ năng phát triển bản thân

Tại anh mà tôi mới bị như vậy
Tại cô mà tôi mới bị như vậy
Tại mày mà việc của tao mới hỏng
Tại, tại tại…
Đây là những câu nói mà chúng ta thường nghe mỗi khi có vấn đề sai sót, trục trặc, thất bại xảy ra với người nào đó. Và bản thân chúng ta cũng rất dễ nói những câu nói đó khi rơi vào tình huống tương tự. Và dù rằng khi bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy việc đổ lỗi cho người khác không giải quyết được vấn đề nhưng chúng ta vẫn cứ làm điều đó vì những lý do về tâm lý như:
  • Thứ nhất là: Muốn trút gánh nặng trách nhiệm cho người khác, cho hoàn cảnh vì lo sợ bị thiệt hại: Nếu còn nhỏ thì sợ bị người lớn trách phạt. Nếu là chồng hoặc thì sợ vợ đánh giá là kém dỡ và ngược lại, vợ thì sợ chồng chê vụng về. Nếu là cha mẹ thì sợ mất uy với con.Nếu là cấp dưới thì sợ cấp trên trách phạt. Nếu là cấp trên thì sợ bị cấp dưới đánh giá là kém dỡ. Nếu là đối tác làm ăn thì sợ bị đền hợp đồng…
  • Thứ hai là: Muốn chứng tỏ mình hơn người khác bằng cách cố chứng minh rằng người khác là nguyên nhân của vấn đề.
  • Thứ ba là do quán tính của thói quen chỉ trích người khác. Thói quen chỉ trích làm chúng ta nhìn ai cũng thấy cái dỡ, cái xấu, cái tệ của họ với cảm giác khó chịu hoặc xem thường. Và khi có rắc rối, thất bại xảy ra, chúng ta theo quán tính cứ tiếp tục nhìn cái dỡ, cái xấu của người khác mà quên mất nhìn lại chính mình.
Tóm lại, chúng ta có rất nhiều lý do để đổ lỗi cho người khác, nhưng không may, điều đó đồng nghĩa với việc tự đánh mất cơ hội tiến bộ. Vì người nào càng nhận lỗi về mình thì sẽ càng học hỏi được nhiều thứ, càng tiến bộ, càng hoàn thiện. Còn người nào có vấn đề sai sót xảy, trục trặc xảy ra là đổ lỗi cho người khác liền thì sẽ chẳng học được gì.
Thầy mình dạy một ví dụ nhỏ như thế này: Giải sử chúng ta để 1 chiếc ly trên bàn, có người đi ngang va vào và chiếc ly rớt xuống bể. Thông thường, chúng ta sẽ cho đó là lỗi của cái người đi ngang, và đương nhiên, chúng ta chẳng học được gì ở đây. Nhưng khi biết tự nhận lỗi, chúng ta sẽ thấy rằng nếu để chiếc ly vào giữa bàn, thì người kia đi ngang sẽ không va vào. Vậy nghĩa là dù người kia trực tiếp làm bể chiếc ly, nhưng lỗi lại là do mình vì đã để chiếc ly chưa cẩn thận, lần sau cần để ly vào giữa bàn. Như thế là chúng ta đã học được cách để đặt đồ vật sao cho an toàn.
Hoặc ví dụ lớn hơn 1 xíu như chúng ta cùng làm một công việc với một người bạn. Khi bị thất bại nếu chúng ta cứ chăm chăm tìm cách đổ lỗi cho người kia thì chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng và chẳng biết bản thân còn kém điều gì khiến thất bại xảy ra. Còn nếu chúng ta tự nhận lỗi về mình thì sẽ tìm xem mình đã sai chỗ nào để sửa. Tìm ra chỗ sai của bản thân được nghĩa là đã học được bài học rồi.
Qua 2 ví dụ vừa rồi, chúng ta có thể thấy nhận lỗi về mình có những tác dụng rất tốt trong việc học hỏi kinh nghiệm sống. Không những thế, nếu chúng ta lúc nào cũng biết nhận lỗi về mình thì tự nhiên đầu óc chúng ta sẽ sáng ra, nhìn nhận vấn đề xung quanh sâu sắc hơn. Từ đó sẽ hình thành tính tinh tế, chu đáo về lâu dài. Mà tinh tế và chu đáo là phẩm chất góp phần lớn cho sự thành công của mỗi người.
Nói về thêm về uy tín, người nhận lỗi về mình mới thật sự là người có uy tín. Chúng ta có thể thấy điều này qua việc thông báo và thu hồi hàng triệu chiếc xe bị lỗi của các hãng xe lớn. Ngay thời điểm thông báo bị lỗi và thu hồi, các hãng xe này bị sụt giảm doanh số, nhưng chính hành động nhận lỗi này lại làm khách hàng tin tưởng hơn ở nhà sản xuất. Vì nhà sản xuất đã dám bỏ đi lợi ích cá nhân thông qua việc chấp nhận sụt giảm doanh số, chấp nhận mình có lỗi để hoàn thiện lại sản phẩm cho khách hàng. Cũng vậy, nếu chúng ta dám bỏ qua thể diện cá nhân mà nhận lỗi vì lợi ích của người khác, thì có thể chúng ta sẽ thiệt 1 chút đấy, nhưng về sau lại càng được tin tưởng hơn.
Dưới quan điểm luật nhân quả, người càng biết nhận lỗi sẽ càng giảm bớt những đau khổ, xui xẻo phải chịu trong tương lai.
Vì sao như thế? Vì chẳng có người nào đã trả xong tất cả nghiệp xấu do từng gây tổn hại cho người khác, chúng sinh khác trong đời trước. Việc chủ động nhận lỗi chính là chủ động trả nghiệp, vì thế nghiệp xấu sẽ bớt đi, khi nghiệp xấu bớt đi thì những đau khổ, xui xẻo cũng sẽ bớt đi. Việc sám hối trong Đạo Phật cũng chính là vì mục đích này.
Tóm lại là:
Nhận lỗi về mình là một cách tuyệt vời đề phát triển và hoàn thiện bản thân.
Chúc cho các tất cả chúng ta đều nhận lỗi về mình mỗi khi vấn đề xấu, rắc rối hoặc thất bại xảy ra. Làm được như thế thì chúng ta đã biến tất cả nghịch cảnh của cuộc đời thành những bài học tuyệt vời.
Và đừng quên đăng ký, like và chia sẽ nếu bạn thấy hữu ích nhé. Cảm ơn các bạn.