Nền tảng phát triển bản thân không ngừng

 Một trong những nền tảng rất quan trọng để không ngừng phát triển bản thân đó là: lòng khiêm hạ. Thật ra điều này hầu như ai cũng biết. Mình cũng biết thế, nhưng vì mình may mắn lượm lặt được 1 số điều khá hay nên mình muốn chia sẽ cùng mọi người. Hi vọng là có thể giúp các bạn sẽ phát triển bản thân từng ngày.
.

Chúng ta hãy bắt đầu với 1 câu nói của người xưa: Trăm sông chảy về biển vì biển thấp hơn sông.
Và ngạn ngữ của người Do Thái: Bông lúa càng nhiều hạt, đầu nó càng rủ xuống. Người giỏi thường hay khiêm tốn.
Vậy có thể thấy là khiêm tốn, khiêm hạ chính là đức tính giúp cho chúng ta giỏi lên. Có sự khiêm tốn, khiêm hạ thì chúng ta sẽ thấy và học được cái hay, cái giỏi của tất cả mọi người, từ người xã hội coi là xuất sắc tới người xã hội coi là tầm thường. Từ đó thì cái hay, cái giỏi của tất cả mọi người sẽ trở thành của mình. Còn khi đã kiêu mạn, tự cho mình giỏi, mình biết rồi thì chỉ có thể miễn cưỡng học được những người xuất sắc cả xã hội công nhận. Còn lại khi gặp người bình thường thì vô cùng khó để có thể mở lòng ra mà học hỏi. Mặc dù là người bình thường họ vẫn có cái hay đáng để chúng ta học hỏi.
Nghe thì dễ ợt, nhưng khi áp dụng vào cuộc sống mới thấy khó. Cái khó đó là khi cái xu hướng đi moi móc, soi xét cái sai, cái dỡ của người khác để chai bai luôn tiềm tàng trong tâm hồn chúng ta. Thậm chí tệ hơn là khi ai cũng khen mà chúng ta cứ tìm cách chê cho bằng được, không vạch lông tìm vết thì chịu không nổi.
Mà … cái xu hướng xấu đó thì sẽ đập nát cái sự mấy chữ khiêm tốn, khiêm hạ trong vòng 1 phần trăm giây!
Điều này được thể hiện rõ hơn khi chúng ta đã từng đọc qua các câu nói về sự khiêm tốn nhiều hơn 1 lần và lúc đó cũng thấy hay đó, nhưng rồi thì trong đời sống chúng ta lại quên mất.
Nguyên nhân của vấn đề này là vì đâu?
Đó là vì kiêu mạn hơn thua là bản năng của con người, có người nhiều, có người ít, người nào biết kiểm soát bản thân thì sẽ ít kiêu mạn, ít hơn thua.
Muốn diệt trừ tâm kiêu mạn hoàn toàn thì chỉ có tu theo Đức Phật đến khi vô ngã hoàn toàn mà thôi. Còn hiện tại thì chúng ta chỉ có thể kiềm chế nó lại bằng các cách sau:
1.Ngừng chỉ trích phê phán.
Chỉ trích phê phán là 1 bản năng mà không cần phải học mà cũng giỏi. Biểu hiện của người chỉ trích phê phán giỏi đó là khi thấy một người làm 100 việc tốt, chỉ cần làm 1 việc xấu nhỏ là chúng ta cứ nhớ chỉ trích việc xấu đó mãi. Hoặc là khi cứ ham thích tìm cái sai, cái dỡ của người khác rồi đi “tuyên truyền” khắp nơi dù rằng người kia không đến nỗi tệ.
Nếu chúng ta chịu bình tĩnh ngẫm nghĩ lại thì sự chỉ trích phê phán gần như không đem lại cho chúng ta bất kì lợi ích gì. Tệ hơn là theo luật nhân quả thì chỉ trích với thái độ khinh thường ai điều xấu gì thì sau này chúng ta sẽ làm đúng điều xấu đó.
Sở dĩ chúng ta thích chỉ trích phê phán là vì nó làm chúng ta ảo tưởng rằng mình giỏi hơn, mình hay hơn những người bị mình chỉ trích. Khi ảo tưởng như thế thì tự nhiên cảm thấy vui vẻ, phấn chấn nên chúng ta cứ tiếp tục chỉ trích phê phán cho đã.
Bản thân mình cũng mắc lỗi này, nhiều lúc mình đã chỉ trích người khác chỉ để thỏa mãn cái tính hơn thua của mình. Nếu bạn nào bị tổn thương vì điều đó thì cho mình xin lỗi.
Lưu ý, ở đây chúng ta nên phân biệt thêm chỉ trích và chỉ lỗi. Chỉ lỗi là lòng chúng ta muốn người khác tốt lên thật sự, không có sự bực tức khó chịu hơn thua trong đó. Khi chỉ lỗi, mình sẽ khéo léo không làm mất mặt người bị mình chỉ lỗi, chỉ góp ý một cách nhẹ nhàng tế nhị nhất có thể mà thôi.
2. Luôn tự nhắc mình còn kém dỡ.
Đây không phải là tự ám thị mà là sự thật. Vì kể cả khi chúng ta giỏi nhất nước Việt Nam vẫn chưa là gì trên thế giới. Mà kể cả khi chúng ta giỏi nhất thế giới thì chỉ giỏi nhất ở lĩnh vực đó, còn sang lĩnh vực khác thì không thể. Không có con người nào trên trái đất này hoàn hảo mọi mặt, chỉ có Bậc Thánh chứng ngộ tới tột cùng mới hoàn hảo về mọi mặt mà thôi.
3. Lòng biết ơn.
Biết ơn thì liên quan gì đến khiêm tốn? Chúng ta hãy cùng xem 2 trường hợp sau sau:
Trường hợp 1: Một người lãnh đạo quản lý một đội gồm 10 người hoàn thành xuất sắc một công việc nào đó và nghĩ rằng: nhờ có mình lãnh đạo thì công việc mới được hoàn thành tốt như thế.
Trường hợp 2: Một người khác, cũng lãnh đạo quản lý một đội gồm 10 người hoàn thành xuất sắc một công việc nào đó và nghĩ rằng: nhờ có mọi người chung tay chung sức hết lòng thì công việc mới được hoàn thành tốt như thế.
Hai trường hợp này thì trường hợp nào người lãnh đạo sẽ dễ bị kiêu mạn, tự hào hơn? Người lãnh đạo nào sẽ dễ khiêm tốn, khiêm hạ hơn?
Rõ ràng là trường hợp 2 đúng không ạ. Và trường hợp 2 là một người lãnh đạo có lòng biết ơn những nhân viên cấp dưới của mình. Chính lòng biết ơn tạo nên sự khiêm tốn, khiêm hạ của người lãnh đạo thứ 2.
Vậy chúng ta có thể thấy rằng: để xây dựng được lòng khiêm tốn, khiêm hạ thì lòng biết ơn phải có, không có thì rất khó mà khiêm tốn khiêm hạ được.
Khi chúng ta làm được thành tựu gì cũng cần phải nhớ lại những yếu tố, những con người đã có tác động không nhiều thì ít vào thành tựu của mình, sau đó gửi đến họ lòng biết ơn họ, như thế thì lòng khiêm tốn, khiêm hạ dễ được hình thành hơn.
Bản thân mình cũng phải làm như thế để rèn luyện lòng khiêm hạ vì mình biết rằng chỉ cần mất lòng khiêm hạ thì dù giỏi bao nhiêu đi nữa mọi thứ cũng sẽ sụp đổ.
4. Noi gương những Bậc vĩ nhân khiêm tốn.
Thời Albert Einstein còn sống, có người hỏi ông rằng “Thưa bác học, những tư tưởng vĩ đại thường xảy ra trong đầu Ngài vào lúc nào trong ngày?” Ông mỉm cười nói: “Suốt cả đời, tôi chỉ may mắn có được một ý tưởng tạm dùng được, đó là học thuyết tương đối. Ngoài ra, hầu hết là những ý tưởng tủn mủn, vụn vặt, nhỏ nhặt, không có gì đáng kể”.
Người được cả thế giới công nhận là thiên tài chỉ nhận là mình may mắn, giống như nhận rằng toàn bộ công sức nghiên cứu cả đời của ông chỉ là 2 chữ may mắn…
5. Tìm và thật lòng vui vẻ khen ngợi ưu điểm của người khác.
Tuy điều này là quan trọng nhất nhưng mình đưa điều này vào cuối cùng vì 4 điều trước là nền tảng. Không có 4 điều trước thì khó lòng mà thấy được ưu điểm của người xung quanh.
Khi gặp ai, chúng ta cũng cố gắng tìm cho bằng được ưu điểm của họ để tôn trọng, nể phục, khen ngợi được họ.
Chỉ khi mình nể phục, khen ngợi được người khác thì đó mới là sự khiêm tốn thật sự. Còn khi được khen chúng ta từ chối, nói rằng mình cũng còn dỡ, còn kém thì chưa phải là khiêm tốn thật sự.
Đồng thời, khen ngợi ưu điểm của người khác là cách để làm phước mà không tốn tiền, có phước từ việc khen ngợi ưu điểm của người khác rồi thì tự nhiên mình sẽ giỏi lên dần dần.
Vd: Một người hung dữ đụng 1 cái là làm ầm lên, tuy nhiên họ vẫn có ưu điểm khi đối diện với những việc bất công cần sự mạnh bạo để ngăn lại. Nói thế không có nghĩa là cổ vũ cho sự hung dữ, nhưng chúng ta phải công nhận ưu điểm của người khác. Có cơ hội thì tìm cách giúp họ điều hòa, điều khiển sự hung dữ để nó trở nên hữu ích hơn.
Cuối cùng mình xin tặng các bạn một câu châm ngôn:
“Một doanh nhân lấy thiên hạ làm thầy sẽ gặt hái được nhiều hơn doanh nhân lấy mình là thầy thiên hạ”
Và nếu các bạn thấy clip này hữu ích, hãy đăng ký kênh, like, share để bạn bè và người thân cùng biết nhé. Cảm ơn các bạn!

Leave a Reply