Nền tảng phát triển bản thân P2 – Giảm bớt cái tôi

Tại sao muốn phát triển bản thân phải giảm bớt cái tôi?

Vì cái tôi (bản ngã) là rào cản lớn nhất ngăn sự phát triển của chúng ta lại. Cái tôi – bản ngã thì rất phức tạp, phải học về năm ấm trong Đạo Phật thì mới hiểu được phần nào. Ở đây chúng ta có thể hiểu sơ sơ là cái tôi – bản ngã là cái mà sẽ làm chúng ta có những phản ứng tiêu cực như tức giận, buồn bã, lo lắng… khi thứ gì đó của chúng ta bị tổn hại.
Ví dụ như khi một đồ vật, tài sản gì đó của chúng ta mà có người làm hư hỏng, tổn hại thì chúng ta thấy tức giận hoặc buồn bã. Hoặc là khi tên tuổi, lời nói, ý kiến của chúng ta mà bị người khác chê bai, chỉ trích thì chúng ta cũng thấy tức giận hoặc buồn bã…
Cái tôi càng lớn thì phản ứng tiêu cực sẽ càng mạnh khi những thứ thuộc về chúng ta bị tổn hại. Phản ứng tiêu cực càng mạnh thì càng mất sự tĩnh táo, lý trí, sự thông minh khi đối diện vấn đề. Mất tĩnh táo, lý trí, sự thông minh thì không thể tiến bộ được. Cụ thể hơn, cái tôi lớn sẽ làm chúng ta có những biểu hiện sau:
1 – Không chịu nhận sai.
Nếu chúng ta có cái tôi lớn, chúng ta sẽ có xu hướng không muốn nhận rằng mình sai. Kể cả khi sai rõ ràng cũng tìm cách bào chữa đổ lỗi cho người khác hoặc là đổ lỗi cho hoàn cảnh cho bằng được. 
Vd: Khi đi làm, chúng ta nhận một yêu cầu gì đó từ người khác nhưng chưa rõ lắm mà không hỏi rõ lại và làm sai. Sau đó bị khiển trách thì chúng ta cho rằng đó là lỗi của người kia vì đã đưa ra yêu cầu không rõ ràng chứ không phải là lỗi tại mình không cẩn thận hỏi lại khi không hiểu. Chỉ riêng nhiêu đó thôi thì chúng ta đã không tiến bộ được vì không nhận ra sự thiếu cẩn thận của bản thân. Khi không nhận ra bản thân thiếu sự cẩn thận thì sau này gặp lại tình huống như thế cũng sẽ làm sai tiếp. Còn nếu lúc đó mà chúng ta nhận ngay là lỗi thiếu cẩn thận của bản thân thì sau này, gặp tình huống tương tự chúng ta sẽ tránh được sai lầm đó.
=> Vì vậy, cần phải giảm bớt cái tôi bằng cách tự tìm cái sai của mình trước mỗi khi có vấn đề!
Elon Musk có một câu nói mình rất thích đó là: 
“Tôi nghĩ điều quan trọng đối với mọi người là thực sự chú ý đến phản hồi tiêu cực hơn là lờ chúng đi và bạn phải chú ý lắng nghe ý kiến phê bình đó. Bạn có thể bỏ qua nếu lời phê bình đó không có cơ sở hợp lý, song nếu đúng thì mọi người cần điều chỉnh hành vi. Điều chắc chắn tôi hoàn toàn không phải là người hoàn thiện, vì vậy tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc xin ý kiến phê bình, đặc biệt từ những người quan trọng”
Ông bà chúng ta cũng dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là vậy. 
Câu nói này hầu như ai cũng biết, nhưng rơi vào tình huống thực tế thì chúng ta cứ lo trách người khác trước hơn là tự trách bản thân, cứ vậy hoài thì không tiến bộ được, không giỏi lên được. Chúng ta phải tập cho bằng được tính cách này, mỗi khi có sai sót, vấn đề gì xảy ra phải tìm cho ra lỗi của bản thân trước rồi mới tính tiếp. Người có tài có đức là luôn nhận trách nhiệm, kể cả khi người ngoài thấy đó không phải là lỗi, là việc của họ. Nhờ vậy mà từng suy nghĩ, lời nói, hành động, từng quyết định của họ càng ngày càng trở nên chính xác.
2 – Không có tinh thần win win.
Cái tôi lớn sẽ làm chúng ta có xu hướng: thay vì tìm cách giỏi lên thì lại muốn hoặc là đi tìm cách làm người khác dở đi, kém đi. Biểu hiện thường là buồn bã, đau khổ khi người xung quanh giỏi hơn hoặc là cố tìm ra cái sai để chê bai, chỉ trích khi người khác giỏi hơn. Những việc này hoàn toàn không thể giúp chúng ta phát triển bản thân thêm chút nào, ngược lại việc buồn khổ hoặc là làm hại người khác chỉ làm tốn thời gian của chúng ta và càng làm cho nhân cách chúng ta trở nên tệ đi. 
Có một sự thật là những người vui mừng khi người khác thành công thì đã gieo nhân lành và sẽ được quả báo là trở thành người thành công sau này.
Còn người buồn khổ hoặc đố kỵ khi người khác thành công thì đã gieo nhân xấu cho sự thất bại sau này. Có thể sắp tới vẫn có thành công, nhưng thành công đó không phải là nhờ vào việc đố kỵ. Đó là vào những điều thiện, phước người đó đã làm trong quá khứ hoặc đời trước. Khi hết thành công này thì sẽ nhận quả báo thất bại đã gieo vì sự đố kỵ của hiện tại.
=> Vì vậy, cần phải diệt trừ tâm đố kỵ. Khi cảm thấy ganh ghét với tài năng của ai là nghĩ ngay đó là nguồn gốc của tội ác và sự đau khổ sau này. Khi thấy người xung quanh thành công, hãy ép tâm mình phải vui mừng, chúc mừng thành công của người khác thật lòng. Lúc đầu có thể rất khó, nhưng hãy tập dần dần rồi cũng sẽ làm được từng chút một. Đồng thời nếu chúng ta đang theo Đạo Phật hãy lễ Phật mỗi ngày để mỗi khi sự đố kỵ khởi lên chúng ta có thể nương nhờ sự gia hộ của Phật mà phát hiện ra nó, như thế sẽ bảo đảm hơn.
3 – Không chú tâm tạo giá trị.
Một lời khuyên về khởi nghiệp mình rất tâm đắc đó là: Khởi nghiệp bằng tạo ra giá trị. Tức là chúng ta phải tạo ra 1 điều gì đó lợi ích mọi người, cho xã hội rồi mới khởi nghiệp. Những gì mà đã quá nhiều người làm rồi thì đừng làm nữa.
Nhưng nếu cái tôi lớn thì sự ích kỉ lớn, tức là chỉ chú tâm làm sao cho có nhiều tiền bạc, của cải, vật chất chứ không chú tâm vào tạo ra giá trị cho người khác. Lúc đó thì cứ thấy ngành nào kiếm nhiều tiền là làm, mà đâu biết rằng: khi ai cũng thấy ngành đó nhiều tiền nghĩa là sắp dư thừa nhà cung cấp, sản xuất rồi. Vào làm lúc đó thì rất khó mà thành công được. 
Còn nếu cái tôi nhỏ thì sự ích kỉ nhỏ, tức là ít chút tâm vào kiếm tiền hơn mà sẽ chú tâm vào việc tạo ra giá trị hơn. Lúc đó thì sẽ đi tìm những gì mà xã hội đang còn thiếu người cung cấp để làm, đó mới là cơ hội để khởi nghiệp thật sự.
Tuy nhiên, 3 nhược điểm vừa rồi thì không dễ gì khắc phục hoàn toàn chỉ bằng cách tập như trên. Vì đó là bản năng của con người, có người nhiều có người ít. Để khắc phục 2 nhược điểm này thì có 2 cách rất tuyệt vời mà chúng ta có thể học từ Đạo Phật đó là sự vô thường và lòng thương người. 
Ví dụ: Khi 2 người cãi nhau và đang rất tức giận. Nhưng nếu ngay lúc đó họ được biết 1 tin rằng cả hai đều mắc bệnh nan y và sẽ chết trong vòng 3 ngày nữa thì tự nhiên họ sẽ hết tức giận liền. Đó là 1 khoảnh khắc mà cả 2 chợt hiểu ra cái sự vô thường, nhờ đó mà hết nóng giận. Sau đó họ sẽ nói chuyện với nhau 1 cách nhẹ nhàng, và thậm chí họ thấy chuyện họ đang tranh cãi không đáng và bỏ qua luôn. 
Hoặc cũng trong tình huống cãi nhau đó, nhưng nếu 1 trong 2 người khởi lên được lòng từ bi, lòng thương đối với người còn lại thì tự nhiên người đó cũng sẽ không tức giận và nói chuyện rất nhẹ nhàng.
Đó là lý do mà Phật dạy những người tu khi đạt tới chánh niệm, tức là trong từng giây của đời sống luôn nhớ về sự vô thường, về lòng từ bi thì sẽ không bao giờ nổi giận nữa. Người đó sẽ tràn đầy trí tuệ, lòng thương người và sẽ đóng góp cho cuộc đời này rất nhiều điều tốt lành. 
Tóm lại, để có thể phát triển bản thân thì phải giảm bớt cái tôi, muốn giảm bớt cái tôi thì phải làm 3 điều:
– Thường xuyên tự tìm lỗi sai của mình.
– Thay thế đố kỵ hơn thua bằng vui mừng trước thành công của người xung quanh.
– Bớt ích kỷ lại và chú tâm vào việc tạo ra lợi ích cho xã hội hơn.
Nếu các bạn thấy clip này hữu ích, hãy đăng kí, like share để bạn bè và người thân cùng biết nhé.

Leave a Reply