Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phương pháp và cách học như thế nào ?

Điều không thể thiếu trong kỹ năng giao tiếp là nhận biết người khác muốn gì để ứng xử phù hợp. Vậy làm sao để rèn luyện kỹ năng này cho đúng cách, đúng phương pháp?

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp phương pháp và cách học như thế nào

Chúng ta hãy cùng bàn luận về những điều sau đây để tìm ra phương pháp thích hợp cho riêng mình.

1.Cách chào hỏi cần có sự quan tâm thật sự – kỹ năng giao tiếp quan trọng.

rèn-luyện-chào-hỏi-trong-kỹ-năng-giao-tiếp

Chúng ta có thể thấy rằng lời chào hỏi rất quan trọng trong giao tiếp. Đặc biệt là khi đã biết nhau thì lúc gặp nhau không thể nào chỉ im lặng. Ít nhất cũng phải có vài lời hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình…

Và lời chào hỏi cũng có 2 kiểu: xã giao và quan tâm thật sự. Kiểu xã giao là chỉ hỏi cho có và không lưu tâm, để ý tới câu trả lời. Kiểu quan tâm thật sự thì sẽ có chiều sâu, chi tiết trong câu hỏi với từng người cụ thể.

Và ta có thể thấy kiểu quan tâm thật sự sẽ là cách giao tiếp giúp tốt hơn hẳn. Bởi vì ai cũng muốn được quan tâm. Người không muốn được quan tâm chỉ là do họ bị quan tâm quá mức. Còn bình thường ai cũng muốn được quan tâm ở mức độ nào đó. Thử tưởng tượng rằng 1 người chỉ gặp thoáng qua bạn 1 lần. Nhưng họ nhớ bạn tên gì, ở đâu, công việc, gia đình, sức khỏe của bạn thế nào. Lúc đó hẳn ta sẽ có cảm tình đúng không ạ!

Để làm được điều trên, có 1 số cách ta thường được khuyên là:

  • Lặp lại tên người đó khi nói chuyện.
  • Ghi chú lại sau khi gặp.
  • Liên tưởng chi tiết của người đó với các sự việc dễ nhớ.

Đó là những cách ta sẽ được gợi ý khi tra Google. Tuy nhiên, ngoài những cách trên, ta còn phải chú ý tới 1 điều rất quan trọng trong giao tiếp. Nếu không có cái điều này thì ta sẽ trở nên máy móc, vụng về khi áp dụng. Vậy điều đó là gì? Đó chính là sự quan tâm thật lòng.

Chính nhờ sự quan tâm thật lòng sẽ giúp ta nhớ chi tiết về 1 người 1 cách dễ dàng hơn. Chúng ta còn dễ dàng biết được người khác muốn gì. Nhờ vậy mà ta sẽ giao tiếp 1 cách nhạy cảm và tinh tế hơn. Mà trong giao tiếp, nhạy cảm tinh tế, biết người khác muốn gì chính là cốt lõi. Ai nắm được cốt lõi này thì việc giao tiếp sẽ dễ dàng và tốt hơn rất nhiều.

Vì vậy ta cần rèn luyện tính quan tâm người khác thì kỹ năng giao tiếp của ta mới tinh tế, tiến bộ được.

Ở đây sẽ có người sẽ nói đó thuộc về bẩm sinh nên sẽ không rèn luyện được. Nhưng bản thân mình thì không nghĩ vậy. Điều đó rèn luyện được. Bởi vì mình vốn là người vô tâm từ bé. Mình chỉ đi học, về nhà, làm đúng bổn phận của mình mà chẳng quan tâm đến ai nhiều.

Hậu quả là khi mình lớn lên, mình gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu người khác. Đôi khi những việc rất cơ bản như mời nước cho khách mình cũng phải đợi có người nhắc mới biết làm. Nhưng khi mình tiếp xúc được với giáo lý về tình thương yêu của đạo Phật. Mình đã thay đổi, tuy rằng đến nay mình vẫn chưa hoàn toàn chu đáo trong việc quan tâm người khác. Nhưng mình đã biết quan tâm tới người khác, biết người khác muốn gì nhanh chóng hơn. Và vì vậy mình cũng giao tiếp tốt hơn xưa. Khi tiếp xúc người khác, mình biết phải làm gì cho phù hợp vì mình hiểu được người khác muốn gì.

Mình như thế mà làm được, thì người khác cũng làm được. Mình xin chia sẽ cách mình đã thực hành sự quan tâm như thế nào ở dưới đây:

Hằng ngày mình tự nhắc mình 2 câu nói sau 1 cách chân thành, từ tốn, chạm rãi. (phải tập mỗi ngày, ít nhất 6 tháng thì mới có kết quả)

Thứ 1:

Nguyện lòng sẽ thương yêu, quan tâm mọi người vô điều kiện

Thứ 2:

Thân này là vô thường, ngày nào rồi sẽ già, bệnh, chết.

Tất cả tài sản, danh lợi, địa vị của ta đều sẽ không giữ được khi chết.

Những gì ta giữ được khi chết đó là tình yêu thương vô điều kiện

và những gì mình đã cho đi.”

Ở câu nói thứ 2 bạn có thể cảm thấy không  logic với việc rèn luyện tính quan tâm người khác. Nhưng đó mới chính là sự logic tuyệt vời. Vì sao? Bởi vì ta ít quan tâm người khác cũng là do ta quan tâm tới bản thân mình quá nhiều. Và câu nói thứ 2: “nhớ thân này vô thường” là thuốc chữa bệnh quan tâm tới bản thân quá nhiều hiệu quả.

Khi ta nhớ được thân này là vô thường thì tự nhiên ta sẽ xem bản thân mình ít quan trọng đi. Ta sẽ xem người khác quan trọng hơn. Và cái gì quan trọng hơn thì ta sẽ quan tâm nhiều hơn. Lẽ hiển nhiên phải không ạ!

Nếu thấy hợp lý, bạn hãy tập theo nhưng phải kiên trì ít nhất 6 tháng. Đặc biệt là người vốn có tính thờ ơ, vô tâm thì phải tập ít nhất 1 năm(như mình). Nói 1 năm là còn quá nhanh. Vì người vô tâm thì tính vô tâm đã ăn sâu vào nếp sống, cách suy nghĩ của họ nhiều năm. Bây giờ chỉ mất 1 năm để để học cách quan tâm thì còn quá nhanh, cái giá còn quá rẻ đúng không ạ!

2.Ánh mắt có sự quan tâm – kỹ năng giao tiếp qua ánh mắt.

rèn-luyện-kỹ-năng-giao-tiếp-qua-ánh-mắt

Ánh mắt thể hiện rất nhiều điều trong giao tiếp. Có những khi không cần nói gì mà chỉ cần nhìn thôi là ta đã gửi đi được suy nghĩ của ta. Để giao tiếp tốt thì người nhìn vào mắt ta phải thấy sự quan tâm trong đó.

Người giao tiếp không tốt thường có ánh mắt thờ ơ, lãnh đạm, vô tình…Những ánh mắt này gây phản cảm cho người đối diện. Hãy tưởng tượng 1 người nhìn ta 1 bằng nữa con mắt thì ta sẽ thế nào.

Vậy nên ta phải rèn luyện cho ánh mắt của ta có sự quan tâm, ân cần. Mà để rèn luyện được ánh mắt, ta phải rèn luyện được tâm hồn. Vì không phải khi không lại có câu nói:

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn

Vì vậy, tâm hồn ta phải thay đổi, phải biết quan tâm, thương yêu con người thì ánh mắt ta mới thay đổi được. Để làm được điều này, ngoài 2 lời tự nhắc mình bên trên. Mình còn cần phải chuẩn bị trước khi gặp, tiếp xúc người khác. Chuẩn bị như thế nào?

Đó là khi ta sắp gặp ai đó, ta phải tự nhắc rằng mình trước sẽ:

“Thương yêu người đó không điều kiện.”

Nhờ câu nói này mà khi khi gặp người đó, tự nhiên ta sẽ có cảm tình với người đó. Và nhờ vậy mà ta sẽ quan tâm được người đó thật lòng.

Có thể ta thấy câu nói này hơi kì lạ và quá lý tưởng để thực hiện được. Nhưng cứ làm đi, rồi từ từ ta sẽ cảm nhận tâm hồn mình thay đổi. Chưa nhiều nhưng chắc chắn sẽ có. Và đó chính là khởi nguồn của nghệ thuật giao tiếp đỉnh cao. Giao tiếp bằng cả tấm lòng!

Đương nhiên là cũng phải rèn luyện lâu dài mới thành được vì đó là thay đổi cả tâm hồn mà. Nhưng khi đã rèn được điều này, rất nhiều điều tốt khác sẽ nảy sinh. Tự nhiên ai gặp ta cũng mến, cũng thương. Nhiều người sẽ ủng hộ, giúp đỡ ta trong cuộc sống. Cuộc sống ta sẽ thuận lợi, tốt đẹp và an vui hơn.

3.Nụ cười có niềm vui thật tâm – giao tiếp bằng niềm vui.

giao-tiếp-bằng-nụ-cười-kỹ-năng-rèn-luyện-mới-có

Chắc hẳn ta cũng biết nụ cười có nhiều loại. Có những nụ cười thật tươi, thật vui, thật phấn khởi. Nhưng cũng có những nụ cười khinh khỉnh, giả tạo, vô hồn… Và đương nhiên là 1 nụ cười thật tươi, thật vui sẽ tốt cho giao tiếp hơn. Nụ cười đó sẽ đem lại niềm vui cho người cười và cả người thấy nó.

Đối với những người tính vui vẻ thì không cần phải bàn, họ tự nhiên có nụ cười rất tươi vui. Nhưng có những người khó nở được nụ cười tự nhiên. Vậy thì có cách nào để có nụ cười thật tâm nhanh chóng đây? Xin báo một tin buồn: không có cách nào nhanh. Chỉ có cách chậm, rất chậm mới được. Bởi vì khi cuộc sống ta có tốt, ta có niềm vui trong cuộc sống thì ta mới cười thật tâm được.

Một người hay cười thật tâm là vì họ có nhiều niềm vui. Họ gặp chuyện gì họ cũng vui được. Họ gặp ai họ cũng vui được. Đó là cốt lõi thật sự. Ta cũng có thể có nhiều niềm vui như họ nếu ta học được những điều sau:

  • Mong cho người khác hơn mình.

èVậy thì ta rất dễ tìm thấy niềm vui. Vì trong cuộc sống, kiểu gì thì ta cũng sẽ gặp người hơn ta không mặt này thì mặt khác. Mà nếu ta vui vì người khác hơn mình, tự nhiên người kia sẽ có cảm tình với ta. Đó là lẽ tự nhiên. Ngoài ra, ta còn ta cũng bỏ được tính đố kỵ khi gặp người hơn mình. Tính đố kỵ chỉ làm ta thêm nhiều cảm xúc tiêu cực không cần thiết. Tính đố kỵ không giúp ta giỏi lên. Ta có giỏi thì đó chỉ là do ta giỏi sẵn chứ không phải nhờ đố kỵ mà giỏi.

  • Thương yêu, quan tâm được những người lạ.

èNhờ vậy, khi ta gặp người lạ ta mới vui được. Thường khi ta gặp người lạ, ta không có thái độ hồ hởi, cởi mở với họ được. Đó là vì ta chưa quen với việc nguyện lòng thương yêu mọi người, kể cả người lạ. Khi ta quen rồi thì gặp ai ta cũng mến, cũng vui được.

Một lần nữa, 2 điều này không dễ thực hiện. Nhưng hãy nhớ tới những lợi ích nó mang lại cho bản thân và xã hội mà cố gắng sửa đổi tâm hồn mình. Đây chính là cách khôn ngoan để tự giúp chính mình và mọi người.

Ps: Mong người khác hơn mình không làm cho ta thiệt thòi, chỉ làm cho ta tốt hơn thôi. Mong cho người khác hơn ta nhưng miễn ta không thụ động thì vẫn tiến bộ. Thậm chí tiến bộ nhanh vì ta không tốn thời gian cho những suy nghĩ đố kỵ vô ích. Và theo luật nhân quả thì mong người khác giỏi lên thì mình cũng tự nhiên giỏi lên.

4.Lời khen chân thật – giao tiếp bằng sự tôn trọng:

lời-khen-quan-trọng-trong-giao-tiếp-như-thế-nào

Một lời khen thật lòng sẽ làm người khác nhớ mãi và có ấn tượng tốt về ta.

Lưu ý là phải thật lòng! Vì nếu khen 1 cách giả tạo thì có thể làm vui lòng người trong 1 khoảng thời gian nào đó. Nhưng lâu dài thì họ sẽ nhận ra. Và nếu trong tâm ta chỉ khen nhằm lấy lòng người khác thì không nên chút nào. Một lúc nào đó, tất cả những lời khen của ta đều phản tác dụng. Người được ta khen lại ghét ta vì họ hiểu rằng ta chỉ muốn lấy lòng họ chứ không thật tâm khen.

Và để khen người khác thật lòng được thì ta:

“Phải thấy ưu điểm thật sự của người khác và vui vì điều đó.”

Điều này không dễ chút nào. Vì chúng ta thường chỉ chú ý khuyết điểm của người khác. Chúng ta thích chê bai để thấy rằng mình giỏi hơn người khác. Và khi ta thấy ta hơn người thì ta thấy vui. Nhưng đây là 1 niềm vui sai lầm cần phải loại bỏ.

Vì niềm vui này làm người khác khó chịu, buồn bực và chính ta cũng sẽ không tiến bộ được. Vì niềm vui này khiến ta chăm chăm nhìn khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của mình. Mà bất kì ai cũng có khuyết điểm. Kể cả các bậc vĩ nhân vẫn phải học và sửa lỗi cả cuộc đời. Còn chúng ta đã không giỏi mà còn không tự thấy khuyết điểm của mình. Vậy thì ta có thể yên tâm rằng cả đời không tiến bộ chút nào.

Vậy làm thế nào để có thể thấy được ưu điểm của người khác để khen?

Có 1 cách rất khó nhưng hiệu quả. Đó là:

Cố gắng thấy thật nhiều khuyết điểm của mình

và nguyện lòng mong cho mọi người đều hơn mình.”

Nghe có vẽ kì lạ nhưng rất lại có tác dụng thật sự. Vì khi ta thấy nhiều khuyết điểm ở bản thân, tự nhiên ta sẽ thấy ưu điểm ở người khác. Và khi ta mong người khác hơn mình, thì khi thấy họ có ưu điểm ta sẽ khen rất dễ dàng và tự nhiên.

Vd:

  • Khi ta thấy được mình giao tiếp không tốt. Ta biết đó là khuyết điểm và mong cho người khác giao tiếp tốt hơn mình. Khi đó ta thấy người nào ăn nói lưu loát, tự nhiên ta sẽ khen được người đó rất tự nhiên và thật lòng.
  • Khi ta thấy được mình có tính nhút nhát. Ta biết đó là điểm dỡ và cũng mong không ai nhút nhát như mình. Nhờ vậy ta cũng sẽ khen được tính dạn dĩ ở người khác một cách thật lòng dễ dàng.
  • Khi ta thấy được mình có tính nóng giận. Ta biết cần phải sửa và mong mọi người đều không có tính nóng giận. Lúc đó ta cũng sẽ ngưỡng mộ được tính trầm tĩnh của người khác.
  • Khi ta thấy mình không đẹp. Ta muốn đẹp hơn và ta mong mọi người đều không bị xấu như mình. Thì ta cũng sẽ khen được người đẹp thật lòng. (Để đẹp hơn không nên đi thẩm mỹ viện, cứ làm nhiều việc thiện giữ tâm hồn vui vẻ thanh thản, ăn uống hợp lý thì từ từ ta sẽ đẹp hơn rất tự nhiên. Còn đi thẩm mỹ viện thì đẹp liền nhưng khi lớn tuổi hơn chút sẽ bị xấu tàn tệ bù lại)

Lưu ý: Ở đây là ta phải biết khuyết điểm của ta là cần phải sửa và có mong muốn người khác hơn mình. Có vậy thì ta mới khen được ưu điểm của người khác tự nhiên.

Vì có những trường hợp tuy biết khuyết điểm, nhưng không chịu sửa. Cứ cố chấp rằng tính từ bé sinh ra đã vậy và an phận với tính xấu của mình. Không những vậy còn không muốn người khác hơn mình nên không thể khen được ai thật lòng. Cả cuộc đời không biết khen là gì thì kỹ năng giao tiếp của người đó sẽ không thể tiến bộ được.

5. Không nói lời chỉ trích, chê bai, nói xấu để mình hơn người khác.

chỉ-trích-là-tối-kỵ-trong-kỹ-năng-giao-tiếp11

Mặc dù đây là điều cấm kỵ trong giao tiếp nhưng chúng ta rất dễ phạm phải. Lý do như bên trên đã nói, bản năng chúng ta có xu hướng muốn hơn người khác. Và 1 trong những cách để hơn người khác dễ dàng đó là chê bai. Không cần làm nhiều, không cần phấn đấu, chỉ cần chê bai là có cảm giác và khiến người xung quanh (tạm thời) nghĩ rằng ta hơn người khác. Nhưng đó chỉ là ảo giác do ta tạo ra.

Không những vậy, luật nhân quả của tự nhiên sẽ khiến chúng ta phạm phải đúng cái lỗi ta đã chê bai người khác. Không phải khi không mà ông bà ta đã đúc kết câu nói:

“Cười người hôm trước hôm sau người cười”

Chúng ta có quyền không tin cũng được. Nhưng khi đã đọc được điều này thì hãy để ý cuộc sống mình. Quy luật này sẽ sớm hiện ra rồi lúc đó tin cũng được. Có điều lúc đó thì có khi ta đã phạm phải 1 lỗi đáng tiếc nào đó. Tội nghiệp cho chính ta mà thôi.

Mặc dù vậy, đôi lúc ta vẫn cần lời chê bai để giúp người khác tốt hơn. Nhưng để lời chê bai của ta có ích cho người khác không dễ tí nào.

“Ta thương người khác 10 thì mới được chê 1

Có vậy thì người bị ta chê mới hiểu được ta muốn tốt cho họ. Ta không phải chê họ là để ta hơn họ hay để mọi người cười họ. Mà ta chê là vì ta thương họ, muốn cho họ tốt lên thật lòng.

6. Chấp nhận sự khác biệt.

chấp-nhận-sự-khác-biệt-trong-giao-tiếp

Sự khác biệt giữ người và người là vấn đề muôn thuở. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu. Có người chấp nhận sự khác biệt về quan điểm, tư tưởng, suy nghĩ của người khác dễ dàng. Có người rất khó chịu khi thấy người khác có lối suy nghĩ, quan điểm khác với mình.

Vậy ta phải ứng xử như thế nào cho phù hợp? Ta hãy xét 2 trường hợp:

Trường hợp 1: ta sai, người kia đúng.

  • Vậy thì ta chỉ cần bỏ qua tự ái vô lý mà nhận sai, chấp nhận quan điểm của người kia để sống tốt hơn, đạo đức hơn là được.

Trường hợp 2: ta đúng, người kia sai.

  • Trường hợp này, ta cần phải hiểu quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng của 1 người. Quá trình đó là 18 năm, 20 năm, 30 năm hoặc hơn nữa. Vậy nếu quan điểm của người đó sai, liệu có hợp lý khi ta muốn họ thay đổi chỉ trong vài phút nói chuyện? Rõ ràng là không đúng không ạ?
  • Vậy nên, cách tốt nhất trong trường hợp này là tìm ra 1 điểm đúng của họ, chấp nhận nó. Rồi từ điểm đúng đó dẫn dắt đến điểm sai của họ. Ai cũng muốn được tôn trọng, tìm ra 1 điểm đúng của họ là tôn trọng họ. Và nhờ đó họ sẽ dễ dàng tiếp thu ý kiến của ta hơn.
  • Quá trình thuyết phục 1 người có thể là vài phút, vài ngày, vài năm hoặc có khi cả đời người tùy vào nhiều yếu tố. Nên ta cứ làm hết sức mình là được.

Vd: Một người có quan điểm: “Luồn lách lương lẹo lại lên lương”. Ta thấy đó là sai. Vậy ta phải làm thế nào?

Đầu tiên là công nhận họ đúng 1 phần. Đúng là có lương lẹo lên lương thật. Nhưng! Lương lẹo vẫn có lúc vào tù ngồi. Bằng chứng là rất nhiều người gian tham lừa đảo bị vào tù.

Nếu họ nói chỉ lương lẹo sơ sơ, lách luật để không phạm luật. Ta nói đúng là lách sẽ không phạm. Nhưng rất ít người có thể kiềm hãm lòng tham lại. Một khi lòng tham lớn tới mức nào đó thì ta sẽ ngu đần đi, và lúc đó sẽ sơ hở trong lúc lách luật. Và kết quả cuối cùng là vẫn phạm luật và vào tù.

Tới lúc này vẫn sẽ có người không chịu thay đổi quan điểm. Ta không được ghét họ mà vẫn cứ quan tâm, mong họ sớm thay đổi. Có khi họ phải mấy chục năm sau, họ vào tù rồi mới chịu tỉnh ngộ. Nếu vậy thì ngày họ ra tù ta vẫn cứ quan tâm họ vậy. Vì nếu ta không quan tâm, họ sẽ không có cơ hội hướng thiện. Cuộc đời họ sẽ chìm trong đau khổ tiếp.

 7. Cẩn thận khi dùng lời chê bai để gây cười.

 cẩn-thận-khi-chê-để-tạo-tiếng-cười-trong-giao-tiếp

Trong các cuộc nói chuyện, ta cũng gặp các tình huống một người bị chê và cả nhóm cười ồ lên. Điều này cũng không hẳn là xấu nếu người bị chê không buồn, không giận. Nhưng điều này sẽ là rất xấu nếu lời chê bai khiến người bị chê buồn giận. Vì vậy, ta phải rất cẩn thận khi chê bai để gây cười.

Vậy làm sao để lời chê bai gây cười của ta không khiến người khác buồn giận?

Đó là ta phải biết được người bị chê có mặc cảm, có buồn vì khuyết điểm của mình không.

Sự thật là có những người biết khuyết điểm của mình nhưng không hề mặc cảm. Và cũng có những người rất mặc cảm, tự ti về khuyết điểm của mình. Nếu người đó mặc cảm tự ti về khuyết điểm của họ thì ta tuyệt đối không nên chê khuyết điểm đó của họ.

8. Biết giữ khoảng cách hợp lý.

rèn-luyện-giữ-khoảng-cách-thích-hợp

Giữ khoảng cách vật lý vừa phải, thích hợp với từng người. Đôi khi khoảng cách không hợp lý khiến người đối diện cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Và đó là điều không nên trong giao tiếp.

Vd:

Bạn thân thì có thể bá vai nói chuyện, nhưng lạ thì nên cân nhắc có nên không.

Người cùng giới thi có thể va chạm cơ thể bình thường, nhưng người khác giới thì lại khác.

Và nhiều tình huống khác ta tự suy nhiệm và để ý thì sẽ rèn luyện được.

9. Tôn trọng sự riêng tư.

 tôn-trọng-sự-riêng-tư-trong-giao-tiếp

Khi nói chuyện, đôi lúc vì tính tò mò ta lại thích hỏi sâu về đời tư người khác. Nếu ta hỏi chẳng để làm gì, chỉ để thỏa mãn tính tò mò thì không nên. Thậm chí đôi lúc ta đánh mất một mối quan hệ tốt chỉ vì ta biết quá rõ về 1 người.

Tuy nhiên, nếu ta hỏi sâu về đời tư người khác là để giúp họ thì lại khác. Lúc đó nếu họ sẵn lòng thì ta cứ hỏi. Vì ta có thêm thông tin thì ta sẽ giúp được họ nhiều hơn.

9. Biết lúc nào nên nói, nên không.

biết-nên-dừng-trong-kỹ-năng-giao-tiếp

Điều này thì khi ta đã quen với việc quan tâm, thương yêu con người thì tự nhiên ta sẽ biết. Ta chỉ cần thấy thái độ người kia là ta hiểu họ có còn muốn nói chuyện hay không.

Lưu ý: Có những người lịch sự, tuy họ có việc bận nhưng họ vẫn lịch sự quan tâm tới những gì ta nói. Ta nói gì họ vẫn nghe và nắm hết. Nhưng họ có vẻ bồn chồn, thì lúc đó ta nên ngưng cuộc nói chuyện. Vì ta càng nói nhiều họ càng căng thẳng hơn. Lần sau họ sẽ không dám gặp ta nữa. Coi như cuộc nói chuyện đó là thất bại chỉ vì ta không biết lúc nào nên nói, lúc nào không.

Tóm tắt:

Bài viết này khá dài chỉ để nói về cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp như thế nào cho đúng. Tuy nhiên nền móng cốt lõi chỉ nằm 3 điều. Có được 3 điều này, tất cả các kỹ năng giao tiếp khác sẽ tự phát triển trong ta:

  • Thương yêu được mọi người, người lạ cũng như quen vô điều kiện.
  • Nhớ thân vô thường để ít quan tâm bản thân lại, quan tâm người khác nhiều hơn.
  • Mong cho người khác hơn mình thật lòng.

Khi ta rèn luyện được 3 điều trên thì kỹ năng giao tiếp của ta sẽ tiến bộ vượt bậc bởi vì ai gặp ta cũng sẽ cảm mến. Điều này cũng dễ hiểu vì chính ta gặp người có 3 tính trên thì ta không thể không cảm mến họ được.

Chúc cho chúng ta đều sẽ rèn luyện được 3 tính tốt bên trên để cuộc sống của ta và mọi người đều tốt lên. Nhờ đó, chúng ta sẽ thấy rằng kỹ năng giao tiếp là 1 niềm vui chứ không còn là 1 phương pháp, học thuyết khô cứng nữa.

Thân.

Nguồn: https://hatbuinho.com

Leave a Reply