Cách sống hạnh phúc phần 1 – lòng biết ơn

Có người giàu nhưng không hạnh phúc, có người không giàu nhưng hạnh phúc. Nghĩa là sự giàu có không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc, vậy thì hạnh phúc thật sự bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên, chúng ta hãy nghe 1 câu chuyện ngắn:
Có một anh nhà giàu nọ rất hay làm từ thiện, hàng tuần anh ta đều phát cơm, phát gạo cho những người nghèo khổ trong vùng. Người ta rất vui vẻ và tôn xưng anh là đại thiện nhân, cũng như rất vui vẻ mỗi lần đến lãnh gạo. Rồi có một giai đoạn anh làm ăn khó khăn, phải bán đi phần lớn gia sản, tuy không đến nỗi nghèo nàn nhưng gia cảnh không còn được như xưa. Anh không thể nào tổ chức bố thí, phát cơm, phát gạo như trước nữa. Thế là một số (một số chứ không phải tất cả) người dân từng nhận bố thí trước kia lại quay sang trách mắng, chửi rủa anh là kẻ keo kiệt. Họ nói xấu về anh và không thèm nhìn mặt anh mỗi khi anh xuất hiện trên phố…
Đây là một thực tế mà những người làm nhiều việc thiện đều sẽ trải qua. Tức là khi chúng ta làm điều thiện, điều tốt không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ nhận lại sự biết ơn, lời khen tặng.
Lý do của hiện tượng này là vì:
– Chỉ có những người có đạo đức cao thượng tới một mức độ nhất định nào đó thì mới có thể có lòng biết ơn. Vậy nên những người mà chưa có đạo đức tới mức đó thì không thể luôn luôn nhớ ơn người đã giúp họ.
Thật ra thì trừ Bậc Thánh ra, tất cả chúng ta đều thiếu lòng biết ơn như thế. Chỉ khác nhau ở mức độ nặng nhẹ thế nào thôi. Người nào nặng thì được giúp đỡ rất nhiều nhưng rồi quên sạch. Người nào nhẹ thì được giúp đỡ nhiều sẽ nhớ, được giúp đỡ ít sẽ quên. Điều này có thể làm chúng ta hơi sốc nhưng nếu bình tĩnh xét lại tâm hồn chúng ta sẽ thấy điều này.
Vd: Một học sinh nghèo được tặng một chiếc cặp để đi học. Nếu gia đình cậu vẫn cứ nghèo sau đó và cậu sử dụng chiếc cặp đó nhiều năm thì sẽ rất biết hơn người tặng. Nhưng giả sử ngay sau khi được tặng chiếc cặp, cha mẹ học sinh đó trúng số 500 triệu và mua cho cậu 1 chiếc xe máy thì tự nhiên sau đó lòng biết ơn của cậu bé đó với người tặng chiếc cặp tự nhiên giảm xuống và rất dễ quên mất. Vì lúc này chiếc cặp trở nên nhỏ bé so với tài sản mà cậu có.
Vậy thì vì sao chúng ta lại không chịu biết ơn? Nguyên nhân sâu xa thì cũng là vì bản ngã, vì cái tôi. Nhưng nguyên nhân gần hơn là vì sự vô ơn tạo ra một loại cảm giác thích thú, khiến chúng ta cứ muốn vô ơn vì cái cảm giác thích thú đó. Nghe hơi lạ, nhưng chúng sẽ thấy điều đó qua ví dụ sau:
Vd: Khi đạt được một thành tựu, một thành công nào đó thì chúng ta nghĩ rằng: ồ mình đã làm được, đạt được thành công, tất cả thành tựu này đều là nhờ một tay mình làm nên và thấy rất thích thú, rất phấn khích. Nhưng nếu lúc đó, có người đến nói rằng: “thật sự thì bạn thành công cũng phải nhờ có người giúp đỡ nữa chứ không phải công sức, khả năng của riêng bạn” thì lúc đó chúng ta sẽ thấy giảm bớt sự phấn khích, giảm bớt sự thích thú liền.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng khi càng vô ơn thì chúng ta sẽ thấy thành tựu chúng ta làm được càng nhiều, và vì thấy làm được nhiều nên sự thích thú tạo ra càng nhiều. Còn khi biết ơn thì sẽ thấy sự thật là: thành tựu nào làm được cũng đều có rất nhiều yếu tố góp vào chứ không phải riêng mình làm được và sẽ cảm thấy ít thích thú hơn.
Vậy thì vô ơn có tạo một cảm giác thích thú, phấn khích nhưng chúng ta có nên vô ơn không? Đương nhiên là không. Bởi vì sự thích thú, phấn khích đó chỉ là thoáng qua, dựa trên sự hiểu lầm, hiểu sai về bản chất cuộc sống nên nó sẽ không bền.
Vd: Chúng ta làm trưởng nhóm một dự án nọ và dự án rất thành công. Khi thành công rồi thì sự vô ơn trong chúng ta trổi dậy và nghĩ rằng: dự án một tay tôi làm nên tất cả, những người kia chỉ là làm theo tôi chỉ bảo thôi và cảm thấy rất thích thú. Khi nghĩ như thế dù chưa nói ra nhưng thái độ đối xửa của chúng ta với những người còn lại trong nhóm sẽ lẫn vào đó sự xem thường. Dần dần những người còn lại trong nhóm sẽ cảm thấy sự xem thường của chúng ta, họ cảm thấy không được tôn trọng và rời nhóm. Sau đó chúng ta bắt đầu một dự án nhưng chẳng ai thèm vào nhóm của chúng ta nữa. Và đương nhiên, chúng ta chẳng thể làm được gì và thất bại.
Quay lại câu chuyện lúc đầu, những người nghèo vô ơn kia cũng sẽ là người bị thiệt về lâu dài. Vd: Khi anh nhà giàu nọ làm ăn khá giả trở lại, dư tiền để bố thí nhưng anh sẽ không dám tiếp tục bố thí cho một số người nghèo vô ơn kia nữa.
Hoặc là chúng ta vô ơn với cha mẹ, đối xử tệ bạc với cha mẹ thì con cái chúng ta sẽ bắt chước y chang như thế, sau này chúng ta cũng sẽ bị con cái đối xử tệ bạc trở lại. Người đau khổ không ai khác là chính chúng ta.
Vậy có thể thấy sự vô ơn có thể đem lại 1 chút thích thú thoáng qua nhưng về lâu dài sẽ đem lại sự buồn khổ không lường được. Vì thế, sự vô ơn dù là bé nhỏ thì cũng nên loại bỏ nó, vì nó là mầm mống của đau khổ.
Bây giờ tới lòng biết ơn: theo nghiên cứu của tiến sĩ P. Murali Doraiswamy, người đứng đầu Khoa Tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Duke nói rằng:
“Nếu lòng biết ơn là một loại thuốc, nó sẽ là sản phẩm bán chạy nhất thế giới với khả năng bảo vệ sức khỏe cho mọi cơ quan chủ yếu của cơ thể”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lòng biết ơn có thể sản xuất một số chất giúp cơ thể khỏe mạnh, đó là các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin hay norepinephrin); hormon liên kết xã hội (oxytocin); nhận thức và niềm vui (dopamin); hệ thống miễn dịch và viêm (cytokines)…
Theo giáo sư Robert A. Emmons, Đại học California (Mỹ), lòng biết ơn không chỉ tốt cho tâm hồn mà nó còn ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Nó có thể làm giảm huyết áp, cải thiện chức năng miễn dịch và tạo giấc ngủ tốt hơn.
Những người biết ơn nhiều hơn có sức khỏe tim mạch tốt hơn, đặc biệt ít viêm nhiễm hơn. Họ cũng hạnh phúc hơn, ít chán nản, ít mệt mỏi và ngủ tốt hơn. Các chuyên gia y tế cho biết, khi bạn biết ơn nhiều hơn, bạn sẽ kết nối tốt hơn với bản thân mình và mọi người. Điều này làm giảm những căng thẳng trong cuộc sống.
Tới đây chúng ta mới thấy sự vĩ đại của Đức Phật khi hơn 2500 năm trước, Ngài đã dạy rằng: hãy biết ơn tất cả, từ các Vị Thánh, Thầy Cô, cha mẹ, bạn bè, người thân, người lạ, người giúp chúng ta, người hại chúng ta, chim trên trời, cá dưới nước và tất cả chúng sinh.
Biết ơn một vài người đã thấy hạnh phúc, vậy mà các vị Thánh làm được như lời Đức Phật dạy là biết ơn tất cả chúng sinh thì hạnh phúc sẽ lớn biết dường nào.
Để có thể có lòng biết ơn, mỗi khi đạt được một thành tựu, thành công gì chúng ta phải phân tích những yếu tố nào, những người nào, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô, người thân, người lạ, người đã chửi mắng chúng ta, người đã khen chúng ta…đã có tác động không nhiều thì ít vào thành tựu của chúng ta.  Chúng ta cứ làm vậy hoài trên 2 năm thì chúng ta mới xây dựng được lòng biết ơn. Khi luôn có lòng biết ơn trong tâm hồn, chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc và sức khỏe cũng được cải thiện theo đó.
Nếu lần đầu xem kênh, đừng quên đăng ký kênh, like share nếu bạn thấy hữu ích nhé. Cảm ơn các bạn.