Tự tin để thành công như thế nào ? | HatBuiNho

Bài giảng: Hiểu mình hiểu đời để thành công
 
Chào mọi người, ở video này chúng ta sẽ thảo luận về sự tự tin, mọi người có muốn trở nên tự tin không? Có đúng không, ai cũng muốn mình là người tự tin cả. Nhưng sau khi xem video này, có lẽ mọi người sẽ thay đổi ý kiến.
 
Chuyện là gần đây, mình có mua 1 phần mềm marketing nọ, trong vòng 1 tháng đầu tìm hiểu phần mềm, mình đã tự tin rằng mình sẽ có khả năng tiếp cận hàng triệu khách hàng chỉ bằng cách kết hợp kiến thức sẵn có với phần mềm này (đây là do mình nghĩ, chứ không phải do bên bán phần mềm quảng cáo). Và mình đã bỏ ra 1 số tiền khá lớn (với mình) để mua phần mềm, đầu tư thiết bị. Và sau 2 tháng, mình nhận ra là mọi chuyện không dễ như mình tưởng :V. Có rất nhiều vấn đề, khó khăn phát sinh, và để tiếp cận được lượng khách hàng cực lớn đó còn phải làm rất nhiều điều bổ sung. Mình cũng mất 1 khoảng ngu phí để khắc phục các vấn đề do cái suy nghĩ tự tin của mình.
 
 
“Tôi là Jack Whittaker. Mấy người phải nghe lời tôi. Tôi còn có nhiều tiền hơn cả Chúa nữa”.
Đó là câu nói cửa miệng của ông Jack Whittaker, sau khi ông trúng số 315 triệu đô – 7200 tỷ đồng. Và năm 2007, tức chỉ 5 năm sau khi trúng số, Jack tuyên bố khánh kiệt.
 
Ông Jack Whittaker vốn dĩ là 1 doanh nhân thành công trước khi trúng số. Tức là nói về mặt kiến thức kinh doanh, ông rất giỏi. Vậy thì làm thế nào mà ông lại thất bại rơi vào khánh kiệt khi mà ông lại trúng số thêm 1 số tiền khổng lồ như thế?
 
Ngược về quá khứ của ông 1 chút, sau khi trúng số, ông đã bỏ việc kinh doanh trước kia, ông không làm gì nữa và chỉ tập trung vào việc khoe khoang, ăn chơi sa đoạ. Mình không biết ông nghĩ gì, nhưng có thể thấy rằng ông tự tin với số tiền ông có, vì ông nghĩ rằng dù có ăn chơi cả đời cũng không hết. Mà thật sự, mình nhìn số tiền 7200 tỷ của ông cộng với số tiền trước đó của ông cũng nghĩ là ông không thể nào xài hết. Vậy mà chính sự tự tin đó đã khiến ông trở nên thất bại.
 

 
Qua câu chuyện của mình và ông Jack vừa rồi , chúng ta thấy 1 điều là, không phải cứ tự tin là tốt, và có những sự tự tin sẽ dẫn đến thất bại. Sự tự tin dẫn đến thành công thì cũng có, nhưng vấn đề là cảm giác tự tin dẫn đến thất bại và tự tin dẫn đến thành công rất giống nhau. Khi tự tin rồi thì mình chỉ có cảm nhận là tự tin vậy thôi, chứ không biết được chuyện gì nữa.
 
Đó cũng là lý do mà ai khởi nghiệp cũng tự tin ít nhiều, nhưng tỷ lệ khởi nghiệp thành công chỉ là 3% ở VN, ở các nước khác thì cao hơn nhưng cũng chỉ dưới 10%. Đồng nghĩa với tỷ lệ tự tin dẫn đến thành công chỉ là 3-10%, tức là cứ 100 người tự tin, thì chỉ có 3-10 người thành công.
 
Tới đây có thể bạn sẽ nghĩ, chỉ mấy người nào muốn khởi nghiệp mới phải lo, chớ người bình thường lo gì. Nếu bạn nghĩ vậy thì mình xin báo tin buồn là: bất kì người ai, trong lĩnh vực hay ngành nghề nào cũng bị hiệu ứng tâm lý tự tin ảo này, đó là kết luận dựa trên biểu đồ tự tin của các nhà tâm lý học mà tí nữa mình sẽ kể. Và kể cả 1 người có tính cách tự ti như bản thân mình, nhưng khi làm 1 việc gì đó thuần thục thì sự tự tin ảo sẽ xuất hiện, và tất nhiên là thất bại sau đó.
 
Lý giải cho tâm lý này là vì bản năng kiêu mạn mà bất kì người bình thường nào cũng có. Bản năng kiêu mạn là vui mừng vì thấy mình hơn người khác. Cái bản năng này cứ thôi thúc khiến chúng ta tưởng tượng ra những điều khiến chúng ta tự tin hơn thực tế để có niềm vui. Đức Phật đã nói điều này cách đây hơn 2500 năm qua những đoạn kinh về 10 kiết sử làm con người cứ tiến rồi lùi chứ không thể tiến mãi được.
 
Vì vậy chúng ta cần làm 2 điều:
 
A. Phân biệt sự tự tin ảo để tránh bớt thất bại trong đời.
 
Nếu bạn có kinh nghiệm phân biệt như thế nào, hãy chia sẽ bên dưới nhé, còn sau đây là cách phân biệt theo kiến thức mình lượm lặt được.
 
Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 1 biểu đồ tâm lý về sự tự tin để phần nào có được cái nhìn đúng hơn về sự tự tin:
 
Đây là biểu đồ tự tin được nghiên cứu bởi 2 nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, biểu đồ này chỉ ra rằng: người không biết gì thì hoàn toàn không tự tin, nhưng khi hiểu biết 1 chút thì sự tự tin sẽ tăng vọt, vượt quá thực tế, tăng lên đến đỉnh cao của sự ngu ngốc. Ở đây mình sẽ gọi là tự tin ảo.
Sau đó nếu sự hiểu biết tiếp tục tăng tăng lên thì sự tự tin của người này sẽ rơi xuống đáy tuyệt vọng. Và nếu không nản, tiếp tục tìm hiểu làm việc để sự hiểu biết tăng lên thì sự tự tin sẽ tăng dần trở lại nhưng lần này sự tự tin sẽ đúng với thực tế. Tuy nhiên, người này vẫn luôn e dè cẩn trọng và thấy nhiều kiến thức cần phải biết thêm chứ không bao giờ tự tin bằng giai đoạn tự tin ảo.
 
Vậy theo hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger thì sự tự tin mà đi kèm sự cẩn trọng và thấy mình chưa đủ kiến thức là sự tự tin đúng nghĩa, và 1 chuyên gia thì thường có kiểu tự tin này. Tất nhiên chuyên gia vẫn có lúc thất bại, nhưng sự tự tin của chuyên gia lúc nào cũng tốt hơn. Từ đó chúng ta rút ra là nếu tự tin mà vẫn cẩn trọng + vẫn thấy chưa đủ kiến thức thì tỷ lệ thành công cao hơn nhiều kiểu tự tin đơn thuần.
 
Thứ hai là có thấy được khó khăn, rủi ro không, nếu tự tin mà không thấy khó khăn rủi ro gì nữa thì nghĩa là đang tự tin ảo trên đỉnh cao của sự ngu ngốc vì hầu như không có việc gì mà rủi ro 0% cả. Tự tin nhưng vẫn thấy khó khăn rủi ro thì đó là sự tự tin đúng nghĩa hơn.
 
 
Thứ 3 là phân biệt theo theo cảm xúc, tức là khi chuẩn bị làm điều gì mà cảm thấy vui mừng, háo hức thì khả năng là sẽ thất bại. Còn khi làm điều gì mà chỉ do linh tính mách bảo, chứ không phải do ham muốn, không háo hức thì thường sẽ thành công. Tuy nhiên rất dễ nhầm lẫn giữa 2 điều này, nhiều khi mình không cảm nhận được cái háo hức trong tâm mà cứ tưởng đó là linh tính. Để hiểu rõ hơn mọi người có thể nghe thêm bài giảng: Hiểu đời hiểu mình để thành công trong link.
 
Đó là 3 dấu hiệu để phân biệt có đang bị tự tin ảo đến mức ngu ngốc không. Tuy nhiên, nếu chúng ta không không thể cứ để tự tin ảo đến mức ngu ngốc rồi dẹp nó đi mãi, chúng ta cần phải kiểm soát nó trước khi nó sinh ra, bởi đi đêm có ngày gặp ma mà, có lúc chúng ta sẽ sơ xuất không phát hiện ra sự tự tin ảo luôn.
 
B. Cách tránh bớt tự tin ảo.
 
Vì bản chất của sự tự tin ngu ngốc là do tâm kiêu mạn gây ra, nên mình được học là phải dùng cái tâm ngược lại với kiêu mạn là tâm khiêm hạ để trị cái gốc đó. Nếu 1 người có tâm khiêm tốn khiêm hạ, tự nhiên người đó sẽ tránh được sự tự tin trên đỉnh ngu ngốc, từ đó tránh được luôn cái đáy của sự thất vọng. Vì người có tâm khiêm tốn khiêm hạ luôn luôn hiểu và nhớ 2 điều:
Một là dù mình có giỏi cỡ nào vẫn luôn có người giỏi hơn, giàu cỡ nào vẫn luôn có người giàu hơn. Kể cả lỡ xui mà sau này bạn là người giàu nhất, giỏi nhất thế giới thì bạn có thể nghĩ rằng vị trí đó cũng vô thường, cứ thay đổi sau 1 khoảng thời gian, không ai là nhất thế giới mãi mãi cả. Không phải 5 năm thì 10 năm, không phải 10 thì 100 năm, rồi cũng phải chết nhường của cải cho người khác thôi. Khi luôn thấy rằng có người hơn mình hoặc sẽ hơn mình thì tự nhiên chúng ta sẽ bớt kiêu mạn, từ đó bớt tự tin đi liền, khi đó sự tự tin sẽ không bị tăng lên đến đỉnh của sự ngu ngốc. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên về nhiều mặt.
Hai là hiểu rằng vui mừng khi mình hơn người khác thật ra chỉ là sự ích kỷ, chả tốt lành gì. Vì khi mình hơn thì có người thua, mà người thua thì người ta sẽ buồn, người ta buồn mà mình mừng vui hả hê thì nghĩa là mình đang cười trên đau khổ của người khác.
Nếu nhìn xa hơn, kĩ lưỡng hơn thì đây cũng chỉ là khởi đầu của cái ác trong tâm để rồi nhận lấy đau khổ về sau vì đó là mầm mống của sự đố kỵ. Tuy nhiên, không phải lúc nào vui mừng khi hơn người cũng là xấu, xíu nữa mình sẽ nói về trường hợp đó.
 
Có bạn sẽ nói, phải cho người ta hưởng thụ niềm vui chớ, với lại có sự cạnh tranh xã hội mới phát triển chớ, câu trả lời là tình yêu thương đại đồng rộng lớn sẽ đem lại niềm vui gấp bội mà bền vững hơn, đồng thời còn giúp xã hội phát triển, nhưng theo hướng tốt đẹp hơn nhiều.
Ví dụ: Một người làm việc phấn đấu để trở nên tài giỏi thành công vì người đó thấy rằng có rất nhiều người yếu thế hơn, kém dỡ hơn cần được giúp đỡ, thì khi người đó thành công, tài giỏi, người đó vẫn sẽ rất vui, vui không phải vì mình hơn người xung quanh, mà là vì nghĩ rằng mình đã có thể giúp được nhiều người hơn. Và sự tài giỏi thành công của người này làm cho xã hội phát triển theo hướng rất tốt đẹp hơn nhiều vì người ta sẽ học theo tinh thần vì cộng đồng của người này.
 
Quay lại với cách ứng dụng để tránh sự tự tin ngu ngốc.
Mình xin kể câu chuyện học tiếng Anh của mình. Khi chưa biết tiếng Anh, có người nói tiếng Anh mình chỉ nghe thôi, không đánh giá gì. Nhưng khi biết 1 chút tiếng anh rồi thì lúc này tự nhiên mình thường xuyên đánh giá cái sai khi nói tiếng Anh của người khác, còn bản thân thì không chịu học thêm để nâng cao trình độ nữa và để trình độ tụt xuống luôn. Đó là dấu hiệu của sự tự tin ảo của mình đã lên đến đỉnh ngu ngốc.
Tới 1 ngày nọ, mình đi dự 1 hội thảo bằng tiếng Anh, trong hội thảo đó mọi người thảo luận 1 vấn đề chuyên ngành khá phức tạp, ngay cả tiếng Việt còn khó, vậy mà mọi người toàn thảo luận bằng tiếng Anh. Thế là mình ngớ người ra, không thể theo kịp buổi hội thảo. Và thế là và sự tự tin rơi xuống đáy thất vọng, khi nghe ai nói tiếng Anh sai mình ít moi móc lỗi sai của họ nữa. Sau đó thì mình mới chịu học nâng cao tiếng Anh lên nữa.
Nhưng nếu 1 người luôn giữ được tâm khiêm tốn, khiêm hạ, tức là dù mình có giỏi tiếng Anh cỡ nào so với người xung quanh, giỏi nhất lớp, giỏi nhất trường, nhất phòng ban, nhất công ty, nhất huyện, nhất tỉnh… thì cũng luôn luôn tự biết rằng còn hoặc sẽ có những người giỏi hơn mình rất nhiều thì người đó sẽ không bị tự tin lên đến đỉnh ngu ngốc rồi thất vọng sau đó. Người đó sẽ không ngừng lại giữa chừng khi thấy mình hơn người giỏi tiếng Anh hơn người xung quanh mà tiếp tục học lên mãi.
 
Hoặc giả sử chúng ta là 1 nhân viên kì cựu của công ty. Một ngày nọ, có 1 nhân viên mới đến, nhưng lại được nhận lương cao hơn. Chúng ta cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng nó mới vô làm sao lương cao hơn mình được, công ty bất công quá.
Ở đây có 2 khả năng, 1 là công ty bất công thật, 2 là chúng ta đã bị tự tin ảo lên đến đỉnh của sự ngu ngốc. Theo như kết luận của hiệu ứng tâm lý Dunning Kruger, những người kém dỡ không chỉ có thành tích kém mà còn không thể đánh giá và nhận biết chính xác chất lượng công việc của chính họ, dẫn đến việc tự xem mình là tốt hơn, có năng lực hơn và hiểu biết hơn những người khác. Mà thực tế là người kém dỡ lúc nào cũng nhiều hơn người giỏi cả. Nên tỷ lệ chúng ta đã bị tự tin ảo lên đến đỉnh của sự ngu ngốc là rất cao.
Tuy nhiên, nếu chúng ta là 1 người có tâm khiêm tốn, khiêm hạ, luôn luôn nhớ rằng có hoặc sẽ có người giỏi hơn mình, thì tâm chúng ta sẽ không khó chịu khi thấy nhân viên mới lương cao hơn. Ngược lại còn cố gắng tìm hiểu xem người này giỏi hơn điều gì để học hỏi, nhờ đó mà năng lực trình độ tiếp tục tăng lên chứ không than trời trách đất.
 
Tổng kết lại, thì chúng ta có thể thấy rằng việc nhận biết mức độ tự tin của bản thân có đang ở trên đỉnh cao của sự ngu ngốc hay không là cực kì quan trọng đối với sự tiến bộ, thành công của mỗi người. Và cách để tránh sự tự tin đến mức ngu ngốc đó chính là rèn luyện tâm khiêm tốn, khiêm hạ. Về cách rèn luyện thì mình nói cũng chưa được sâu sắc lắm vì bản thân mình cũng chưa đủ khiêm hạ, nên mọi người có thể nghe thêm bài giảng trong mô tả comment để hiểu thêm.
 
Còn bây giờ thì chào tạm biệt mọi người, hẹn mọi người trong video tiếp theo, đừng quên like share giúp mình nhe.
 
Bài giảng: Hiểu mình hiểu đời để thành công