Học cách sống tích cực

Làm sao để sống tích cực hơn mỗi ngày? Có những điều đôi khi không để ý nhưng lại làm cuộc sống chúng ta tiêu cực hơn. Làm sao để tránh nó?

Chúng ta thường có xu hướng thế này: Khi ai đó làm 10 điều tốt cho mình, nhưng chỉ cần 1 lần làm điều không tốt với mình là mình nhớ hoài và quên mất 10 điều tốt kia.
Hoặc là khi xem tin tức, chúng ta có xu hướng chia sẽ những nội dung tiêu cực hơn là tích cực. Những tấm gương người tốt, việc tốt thì rất ít lượt share, nhưng những chuyện xấu, chuyện tiêu cực thì lại share ầm ầm. Và sau nhiều năm tháng như thế, chúng ta kết luận thế này: đời này toàn là bế tắc.
Xu hướng này đã được thể hiện rõ hơn trong nghiên cứu vào năm 2005 của tổ chức National Science Foundation (Mỹ):
Mỗi người trung bình có khoảng 12,000 đến 60,000 ý nghĩ mỗi ngày, 95% là suy nghĩ của ngày hôm trước được lặp lại, và 80% trong số đó và suy nghĩ tiêu cực.
Không những thế, theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y học, Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) do GS. Stephen Boyle làm trưởng nhóm cho thấy: những suy nghĩ tiêu cực có hại rất lớn tới hệ thần kinh và cả thể chất của con người.
Vậy chúng ta có thể thấy rằng: chúng ta luôn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực, mà suy nghĩ tiêu cực thì làm hại cả cơ thể và đầu óc của chúng ta. Nghĩa là tự chúng ta làm hại chính chúng ta mà không hay biết. 
Vậy thì làm thế nào để thay đổi cái bản năng suy nghĩ tiêu cực mà khi sinh ra đã có như thế? Có những bạn có khả năng đặc biệt chỉ cần tới đây là tự nhiên chuyển mọi suy nghĩ tiêu cực thành tích cực được ngay. Nhưng hầu hết chúng ta đều cần rèn luyện lâu dài qua những việc sau:
Thứ 1. Đừng nhân rộng những điều tiêu cực.
Nếu chúng ta để ý, rất nhiều các cuộc nói chuyện tán gẫu đều là bàn tán chuyện tiêu cực của người vắng mặt. Và bản thân chúng ta khi ngồi vào 1 cuộc tán gẫu như thế, chúng ta cũng đi theo xu hướng đó mà không hay. Chuyện xấu có thể là những chuyện như: hình như dạo này bạn A ghét bạn B, bạn C nhìn mặt sao tự nhiên khó ưa, bạn D sống giả tạo… 
Những chuyện như thế thì chẳng biết được thật hư thế nào, chỉ là phỏng đoán của người nói. Nhưng khi nhiều người cùng bàn tán thì chuyện chưa chắc đúng trở thành chắc đúng, chưa đến nỗi tệ trở nên quá tệ…
Như thế là chúng ta đang vô tình nhân rộng những điều tiêu cực. Luật nhân quả là cho đi thì phải nhận lại. Cho đi sự tiêu cực thì chúng ta phải nhận lại sự tiêu cực. Có khi sự tiêu cực đó là lời nói xấu của người khác, hoặc có khi đó là những suy nghĩ tiêu cực tự nhiên xuất hiện trong đầu mình.  Nhìn cái gì cũng nghĩ tới sự tiêu cực, muốn bắt đầu làm ăn liền nghĩ đến thất bại, muốn khởi nghiệp nghĩ ngay tới phá sản, gặp khó khăn thì nghĩ ngay tới bế tắc không lối thoát.
Cũng vì vậy mà chúng ta thấy những người thành công toàn nói về những ý tưởng giúp giải quyết vấn đề. Còn người thất bại thì toàn đi nói về chuyện tiêu cực của người khác.
Nguyên nhân của xu hướng xấu này là vì khi bàn tán chuyện tiêu cực của người khác, chúng ta tự nhiên tưởng rằng mình giỏi hơn, mình tốt hơn những người khác. Khi ảo tưởng như thế thì lại có cảm giác vui, vui thì lại tiếp tục bàn tán. Vòng tròn cứ lẩn quẩn mãi không có ngày dừng. Trong khi sự thật là càng nói chuyện tiêu cực của người khác thì càng làm hại chính mình.
Tóm lại ở đây, chúng ta phải dừng việc nhân rộng những gì tiêu cực trong cuộc sống lại. Nếu ngồi tám chuyện, hãy tập bàn luận về những ý tưởng giúp cải thiện cuộc sống con người. Hoặc gần gũi hơn là cải thiện những vấn đề liên quan đến bản thân và người xung quanh. 
Thứ 2: Tìm mặt tốt của vấn đề.
Mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống chúng ta đều có 2 mặt. Không bao giờ chỉ có sự tiêu cực trong một vấn đề nào đó.
Ví dụ: Khi chúng ta sản xuất 1 sản phẩm mà khi bán ra thì khác hàng chê chỗ này xấu, chỗ kia dỏm, chỗ nọ lỗi thời… Nếu một người tiêu cực thì nghĩ rằng thôi tiêu rồi, người ta chê thế này là phá sản. Nhưng một người tích cực sẽ nghĩ rằng: à, khách hàng vừa mới đóng góp rất nhiều ý tưởng để cải thiện sản phẩm.
Hoặc trong đời sống hằng ngày, chúng ta bị chê bai, chửi rủa có mặt xấu là sẽ bị xuống tinh thần. Nhưng một người tích cực, biết đạo lý sẽ thấy sẽ thấy mặt tốt của việc bị chê bai, chửi rủa đó là: giúp họ khiêm hạ lại, giúp họ tự xem lại xem còn khuyết điểm nào nữa để cải thiện, giúp họ học được hạnh nhẫn nhục, giúp họ học được hạnh bao dung tha thứ, giúp họ học được hạnh thương người từ bi không phân biệt kể cả người chửi mắng mình…
Thầy của mình dạy răng: không có nghịch cảnh thì lấy gì mà tu. Câu nói này không chỉ đúng với người tu mà còn đúng với đời sống bình thường. Không có khó khăn thì làm sao mà rèn luyện được sự mạnh mẽ thật sự. Thuyền càng to thì sóng phải càng lớn, con sóng nhỏ mà không chịu nổi thì làm sao vượt qua con sóng to.
Thứ 3. Ngừng tạo ra sự bế tắc.
Có một điều nghịch lý là chúng ta muốn giải quyết vấn đề nhưng lại tìm cách làm cho vấn đề trở nên bế tắc. 
Khi gặp một việc khó nào đó, trước giờ chưa có kinh nghiệm làm, chúng ta có xu hướng nghĩ ngay rằng: cái này mình làm không được, chỉ cần nghĩ như thế thì tự nhiên sẽ có nhiều lý luận kéo theo sau củng cố cho suy nghĩ đó và chúng ta sẽ tin chắc là không làm được.
Còn người có tích cực thì lại nghĩ: cách nào để giải quyết việc này, không biết rằng có thể làm được hay không nhưng suy nghĩ như thế ít nhất cũng là đang tìm cách giải quyết công việc chứ không tự làm vấn đề trở nên bế tắc.
Vì vậy, khi chúng ta đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, thay vì nghĩ không giải quyết được, chúng ta nên tập chuyển hướng sang nghĩ rằng: làm cách nào, làm thế nào để làm được việc này.
Thứ 4. Tự tạo môi trường tích cực.
Bởi vì chúng ta vẫn là con người nên chúng ta vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Vì vậy chúng ta không thể nào sống tích cực khi vây quanh chúng ta toàn những điều tiêu cực. Chúng ta cần loại bỏ những nguồn thông tin tiêu cực chứa đựng những sự chỉ trích chê bai quá nhiều. 
Vd: những thông tin như cướp giật, lừa đảo, đánh nhau, chê bai, chỉ trích hết người này đến người kia…những thông tin như thế hầu như không giúp chúng ta phát triển bản thân thêm được chút nào.
Những nguồn thông tin chúng ta nên tiếp nhận là những nguồn đem lại cái nhìn tích cực, giúp phát triển bản thân, giúp hoàn thiện bản thân, giúp tạo ra động lực để cải thiện bản thân.
Việc loại bỏ bớt những điều tiêu cực sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian để làm và học những điều tích cực.
Thứ 5. Vừa chừng để nhanh hơn
Khi chúng ta làm việc gì mà trong lòng nôn nóng cho nhanh thì tự nhiên dễ nỗi giận hoặc phản ứng tiêu cực khi gặp trở ngại. Điều này không có nghĩa là cứ tà tà rề rề, mà chúng ta cần tránh thái độ gấp gáp, nôn nóng. Người chậm không làm được việc nhưng người luôn nôn nóng thì tệ hơn vì thường sẽ làm hỏng việc luôn. 
Hồi còn tiểu học mình học bài thơ này mà tới tận bây giờ mình mới hiểu:
Đi đâu mà vội mà vàng 
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây 
Đi đâu mà vội mà vàng 
Ngã năm bảy cái lại càng thêm lâu
Vậy đấy, đúng là chúng ta phải không ngừng phấn đấu nhưng phải vừa với sức mình, làm việc mà quá sức nếu là lao động chân tay thì bị thương tật, nếu là lao động đầu óc thì đưa ra những quyết định sai lầm. 
Điều quan trọng là vừa sức, không lười biếng nhưng không nóng vội. Nếu buộc phải chinh phục 1000km mà không có phương tiện di chuyển nào khác, chúng ta nên chọn cách đi bộ thay vì chạy. Vì nếu chạy, chúng ta sẽ bị ngất xỉu trước khi đạt được 100km. 
Thứ 6. Thể thao là không thể thiếu.
Nghe có vẻ không liên quan nhưng sự liên quan là rất hiếm người nào có một cơ thể yếu ớt, bệnh hoạn lại có một tinh thần tích cực. Hầu hết những người thường xuyên mệt mỏi hoặc bị bệnh đều luôn có tâm trạng tiêu cực. Trừ những người rất đặc biệt thì dù bệnh, dù mệt cỡ nào họ cũng lạc quan yêu đời được. Còn lại chúng ta là người bình thường, muốn có tinh thần tích cực, mạnh mẽ điều bắt buộc là chúng ta phải có một cơ thể khỏe mạnh. 
Vì thế nếu chưa chơi thể thao, hãy tập chơi từ hôm nay. Nếu đã bỏ chơi thể thao, hãy bắt đầu chơi lại.
Thứ 7. Cho đi thật nhiều điều tích cực.
Ngoài việc điều chỉnh bản thân để sống tích cực hơn thì chúng ta cũng cần nhận sự tích cực từ bên ngoài. Để có được điều đó, chúng ta phải cho đi trước, cho đi sự tích cực trước thì sự tích cực mới trở về mới mình. Điều tích cực trở về theo cách riêng của nó, không phải chúng ta giúp người A thì người A sẽ giúp lại chúng ta mà có thể là người B mới là người giúp lại chúng ta.
Những điều tích cực chúng ta nên cho đi đó là lời khen, lời động viên, khuyến khích, sự giúp đỡ trong những hoàn cảnh rất bình thường như:
Chạy xe, chúng ta có thể nhường cho người khác chạy trước.
Thấy một người khiên vác nặng liền chạy đến giúp đỡ họ.
Thấy một người đang muốn vào thang máy hãy bấm nút chờ thang máy.
Thấy một người buồn nếu có thể hãy lắng nghe, chia sẽ nỗi buồn với họ….
Nói chung là chúng ta cứ để ý tới người xung quanh nhiều hơn thì tự nhiên thấy nhiều cơ hội để giúp họ. Cho đi càng nhiều điều tích cực thì chúng ta sẽ nhận lại càng nhiều điều tích cực.
Tóm lại, để có thể sống tích cực, chúng ta cần làm 7 điều sau:
Thứ 1. Đừng nhân rộng những điều tiêu cực.
Thứ 2: Tìm mặt tốt của vấn đề.
Thứ 3. Ngừng tạo ra sự bế tắc.
Thứ 4. Tự tạo môi trường tích cực.
Thứ 5. Vừa chừng để nhanh hơn.
Thứ 6. Thể thao là không thể thiếu.
Thứ 7. Cho đi thật nhiều điều tích cực.
Chúc bạn bạn đều trở thành những người rất tích cực. Nếu bạn thấy clip này hữu ích, hãy đăng ký, like, share để bạn bè và người thân cùng biết nhé. Cảm ơn các bạn.

Leave a Reply