Cách thay đổi người khác | HatBuiNho

Có phải bạn thường muốn thay đổi người khác để họ tốt hơn không? Bạn muốn bạn cùng phòng đừng có bừa bộn nữa. Bạn muốn đồng nghiệp làm ăn phải đúng giờ. Bạn muốn vợ chồng thông cảm và thấu hiểu hơn. Bạn muốn con cái mình học hành đàng hoàng hơn, không vứt đồ dùng lung tung bừa bãi. Bạn muốn người thân siêng tập thể dục để mạnh khỏe hơn… Thế nhưng bạn chưa bao giờ thay đổi được họ. Và vì vậy, trong video ngày hôm nay, mình sẽ chia sẽ một số điều mình góp nhặt được về cách thay đổi người khác.

1.Xem lại bản thân.

Một lưu ý nho nhỏ trước khi muốn thay đổi người khác đó là xem lại chính mình đã có những ưu điểm mà mình muốn người khác có chưa. Nếu chưa thì chính chúng ta phải thay đổi, phải rèn luyện cho có được những ưu điểm đó rồi mới tính tới chuyện thay đổi người khác.
Vd: Nếu chúng ta là người hay chấp vặt, chuyện bé xé ra to thì không thể nào khuyên người khác sống phóng khoáng, rộng rãi được. Chúng ta phải thay đổi chính mình, chừng nào sống phóng khoáng, rộng rãi rồi thì mới nghĩ tới chuyện thay đổi người khác.

2.Kiểm tra động cơ của chính mình.

Đầu tiên, chúng ta hãy xem 1 ví dụ:
Khi bạn cùng phòng của mình ăn ở bừa bãi, lộn xộn, chúng ta sẽ muốn bạn đó sống ngăn nắp gọn gàng hơn. Nhưng hãy tưởng tượng, người nếu người bạn đó chuyển qua phòng khác ở thì sao? Nếu khi người bạn đó đi ở phòng khác, chúng ta bỏ qua, không muốn bạn đó thay đổi nữa thì là phải xem lại động cơ của chính mình.
Có phải vì sự bừa bộn lộn xộn đó ảnh hưởng tới mình nên mình mới muốn bạn đó thay đổi, còn nếu sự bừa bộn đó không ảnh hưởng tới mình thì mình cho qua?
Nếu vậy thì thật sự mình đâu có muốn người khác tốt lên, mình chỉ muốn người khác đừng ảnh hưởng đến mình.
Ví dụ này cho thấy chúng ta có thể nhầm lẫn giữa việc “mình muốn tốt cho người khác” và việc “mình muốn tốt cho chính mình”. Sự nhầm lẫn chính là vì bản năng ích kỉ trong con người chúng ta tạo ra.
Tâm lý ích kỉ: “không muốn cái xấu của người khác ảnh hưởng đến mình” thường biểu còn hiện qua những câu nói như: mày làm tao mất mặt quá, mày làm tao quê quá…
Đây là kiểu tâm lý khiến chúng ta khó thay đổi được người khác. Nếu thay đổi người khác, chúng ta phải chuyển hóa tâm lý:
“không muốn cái xấu của người khác ảnh hưởng đến mình” 
thành tâm lý
“không muốn cái xấu của người khác gây hại cho chính họ”
Để làm được điều này, chúng ta phải làm được điều tiếp theo sau đây.

3.Thương được mới thay đổi được.

Thầy mình dạy rằng: chúng ta thường chỉ nghe lời người nào thương chúng ta.
Cụ thể là, thường thì chúng ta sẽ không làm theo những lời khuyên tốt đẹp được nói ra bởi 1 người ghét chúng ta. Vì đơn giản là chúng ta nghĩ lời khuyên của người ghét mình thì không thể nào tốt cho mình được. Và người khác cũng thế, khó mà làm theo những điều tốt đẹp được nói ra bởi chúng ta, nếu chúng ta đã ghét hoặc khó chịu với họ.
Vì vậy để có thể thay đổi được người khác, việc đầu tiên và quan trọng nhất là loại bỏ cho bằng được sự khó chịu, tức giận, căm ghét người khác khi họ có khuyết điểm. Nếu không loại bỏ được tâm lý này thì rất khó để thay đổi được người khác.
Tiếp theo là phải tìm cách, tìm lý do nào đó để có thể thương được người khác khi họ có khuyết điểm. Một trong những lý do có thể nghĩ tới là những buồn khổ, thất bại khi một người có khuyết điểm.
Vd: Một người không làm hại ai nhưng lười biếng chẳng chịu làm việc thì sau này sẽ có lúc hết phước phải đi ăn xin. Phải đi ăn xin là rất đáng thương, nên khi thấy 1 người lười biếng và thấy luôn tương lai của họ, chúng ta có thể thương xót được họ.
Tóm lại, ở đây chúng ta không được khó chịu, tức giận mà ngược lại, phải thương được người mắc khuyết điểm khi muốn người đó thay đổi. Vì lúc này, lời nói của mình mới trở nên dễ nghe, dễ cảm với người đó.

4.Tạo duyên lành mới thay đổi được.

Nếu một người có chút cảm tình với mình thì thường chỉ cần chúng ta sửa tâm lý lại như những điều vừa rồi là có thể thay đổi được họ, trong Đạo Phật gọi là có duyên lành vì mình đã từng giúp đỡ họ trong quá khứ.
Tuy nhiên, có những người không có duyên, tự nhiên gặp là ghét hoặc thờ ơ với mình thì khác. Kể cả khi lòng mình thương họ thật, muốn tốt cho họ thật nhưng họ vẫn sẽ không chịu thay đổi.
Với trường hợp này thì không nóng vội được mà chúng ta cần phải gieo duyên lành trước rồi mới mong thay đổi được họ. Tức là phải giúp đỡ họ trong công việc, phải làm cho họ có cảm tình với mình. Khi họ có cảm tình với chúng ta thì lời chia sẽ, góp ý của chúng ta mới trở nên dễ nghe, dễ cảm được.

5.Kiên nhẫn vì thay đổi cần thời gian.

Chúng ta cần hiểu rằng: tất cả những tính xấu của chúng ta đều do những điều thiện ác chúng ta đã làm trong quá khứ chi phối, nhiều khi muốn bỏ đi nhưng vì nghiệp chi phối nên chưa bỏ liền được.
Vd như mình là người rộng rãi, phóng khoáng nhưng khi thấy người khó tính, nhỏ mọn, hay chấp vặt thì mình khinh thường, chê bai thì sẽ tới lúc nào đó chính mình trở thành người khó tính, nhỏ mọn, hay chấp vặt. Bây giờ có người góp ý, mình thấy đúng và muốn thay đổi nhưng chưa thể thay đổi liền được mà cần thời gian.
Hiểu được điều này giúp chúng ta thông cảm và kiên nhẫn được khi đã hết lòng muốn người khác thay đổi vì thương nhưng họ vẫn chưa thay đổi được.
Tóm lại, để có thể thay đổi được người khác, chúng ta cần phải làm 5 điều:
1.Xem xét lại chính mình.
2.Kiểm tra động cơ của chính mình.
3.Thương được mới thay đổi được.
4.Tạo duyên lành mới thay đổi được.
5.Kiên nhẫn vì thay đổi cần thời gian.
Chúc các bạn đều có thể giúp người khác trở nên tốt hơn bằng cả tấm lòng của mình. Và nếu lần đầu xem kênh, đừng quên đăng ký, like, share cho người thân nếu bạn thấy hữu ích nhé. Cảm ơn các bạn.
Một điều rất quan trọng khi muốn thay đổi người khác là không được chỉ trích họ. Nhưng thường nếu không đủ sâu sắc thì hầu như lúc nào chúng ta cũng sẽ chỉ trích người khác khi thấy họ có khuyết điểm. Vậy thì làm sao để có thể sâu sắc và tránh việc chỉ trích người khác? Mời các bạn bài giảng sau ạ: http://bit.ly/Chi_trich_Va_Chi_loi
Video có sử dụng hình ảnh từ bộ sách “Tranh nhân quả” do công ty văn hóa Pháp Quang sản xuất.