Cách thuyết phục người khác làm theo ý mình | HatBuiNho

 

Quyền lực vừa có lợi, vừa có hại, mời mọi người xem bài giảng này để hiểu hơn ạ: Triết lý về quyền lực: https://www.youtube.com/watch?v=t_Qt0ErZ6cQ

Đây là An, rất nhiều lần An rơi vào hoàn cảnh: An có một ý tưởng tuyệt vời là một giải pháp cho vấn đề của nhóm mình. An rất mong muốn giải pháp này được thực hiện nên An đang tìm đủ mọi cách để thuyết phục mọi người rằng đây là ý tưởng khả thi và hay ho nhất. Nhưng An rất hoang mang và lo lắng không biết mọi người liệu có nghe mình không, An cần phải chuẩn bị những gì để có thể nhận được nhiều cái gật đầu nhất có thể. Đôi lúc An còn thấy mình phải làm mọi giá, sẵn sàng bất chấp mọi thứ để bảo vệ ý kiến của mình.

Trường hợp của An là tình trạng phổ biến diễn ra với những bạn có mong muốn thuyết phục người khác nghe theo và làm theo ý kiến, lời nói và ý tưởng của mình. Trong lớp học, có nhiều bạn được giao nhiệm vụ làm lớp trưởng, lớp phó, bí thư muốn mọi người trong tổ chức của mình cống hiến nhiều hơn, hỗ trợ với mình trong các công việc chung. Trong gia đình, các bậc phụ huynh luôn mong muốn thuyết phục con cái nghe theo lời dạy bảo của mình. Vậy làm sao để mọi người đều lắng nghe và làm theo chúng ta?

  1. Tình cảm

Nhiều khi vì tình cảm với ai đó mà chúng ta cũng sẽ làm theo những điều họ chỉ bảo. Một ví dụ rất dễ thấy là khi chúng ta thần tượng một ai, chúng ta cũng dễ làm theo điều người ta nói. Vậy thì làm sao để người khác có tình cảm với mình? Chúng ta cần đối xử tốt với mọi người, tự nhiên mọi người sẽ có cảm tình với mình. 

Chìa khóa sâu xa còn nằm ở chỗ, theo Nhân Quả, khi một người có phước thì nhiều người sẽ có tình cảm với người đó. Người đó sẽ có được uy quyền, được người khác nghe và làm theo lời người đó. Vì vậy, chúng ta cứ chăm chỉ làm nhiều điều thiện lành, giúp đời, giúp người với lòng nhiệt thành tận tâm trong chính công việc hàng ngày, chúng ta sẽ có được quả là lời nói của mình sẽ có trọng lượng hơn. Ông bà ta đã có câu: “Miệng người sang có gang có thép” cũng nhằm ám chỉ đến điều này. Tất nhiên, giúp người cũng phải có cân nhắc đúng sai, nặng nhẹ, quan trọng hay không, đáng hay không đối với 1 số người có tính lợi dụng, cân nhắc đủ khả năng không chứ không phải ai nhờ cũng gì cũng giúp.

Có một điều ít ai biết nữa là, nhiều người sống một đời mô phạm đạo đức cũng được nhiều người lắng nghe, xin ý kiến, hỏi han đàm đạo. Như danh sĩ Cao Bá Quát cũng chỉ “cúi đầu trước hoa mai”, hoa mai là biểu tượng cho người quân tử: trung nghĩa, kiên cường. Thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe từng nói: “Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối” ám chỉ sự ngưỡng mộ của ông trước một người có tấm lòng đạo đức nhân nghĩa.

  1. Chuyên môn

Có một điều khá quan trọng khiến lời nói của chúng ta được nhiều người lắng nghe hơn, đó là chúng ta cần có năng lực chuyên môn để có thể thuyết phục, làm gương cho người khác. Khi chúng ta có đủ kiến thức, đủ trải nghiệm, đủ chứng cứ thuyết phục để lập luận khiến người khác thấy rằng làm theo chúng ta, họ và công việc trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có được sự đồng thuận của người khác.

Bạn đã biết được các bí quyết trên rồi, đừng vội áp dụng, chúng ta cần tránh một vài điều sau:

  1.  Trước khi muốn thuyết phục người khác một ý tưởng nào đó, chúng ta cần tự hỏi, liệu mong muốn này có phải do những ý nghĩ thích thể hiện lấn át hay không?

Nhiều khi Chúng ta chỉ thích thể hiện ý kiến, năng lực của bản thân mà không quan tâm đến người cấp dưới, người nghe của mình có đủ chuyên môn, điều kiện, sức khỏe để làm được điều đó không. Chúng ta cũng không thèm để ý xem điều mình muốn thuyết phục có hợp lý không, có phải điều thiện không, có thật sự muốn tốt cho công việc chung, cho sự phát triển của người đó không? Lý do cho việc chúng ta quên hết tự vấn lại bản thân mình những điều này đó là chúng ta đã bị khoái cảm của quyền lực lấn át hết tất cả, đó là một niềm vui thích khi được tôn trọng, khi được người khác làm theo lời mình, được chú ý, ý kiến của mình được tôn vinh. Nhưng thực chất tất cả khoái cảm này đều hư ảo và gây tác hại khiến chúng ta như bị lú mà quên xem xét lại những câu hỏi trên. 

  1. Khi được 1 vài người trong nhóm lắng nghe mình rồi, chúng ta cũng vẫn cần xem xét lại thái độ của mình qua những hành động như sau: 

Liệu chúng ta có nạt nộ, quát tháo người dưới quyền, thậm chí kiêu ngạo, luôn coi ý kiến của mình là nhất là tối thượng mà không cần tham khảo ý kiến của người khác không. Chúng ta cần có trách nhiệm với mọi lời nói, hành động, và thái độ mình đưa ra. Chúng ta có đang thật sự yêu thương muốn giúp đỡ người nghe ta hay không? Hàng loạt câu hỏi chúng ta cần phải trả lời trước khi quyết định “muốn thuyết phục ai đó”. 

Một điều cuối cùng chúng ta cần sẵn sàng đón nhận khi người khác đã nghe lời mình đó là: chuẩn bị tâm lý cho việc không thể tất cả mọi người đều lắng nghe ta. Nguyên nhân thì nhiều, có thể là chúng ta chưa có đủ duyên với họ, hoặc chúng ta vẫn chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi để họ có thể bị thuyết phục. Chúng ta không thể kỳ vọng vào người khác có thái độ với chúng ta như thế nào. Một lần nữa, chúng ta hãy cứ chỉ tập trung làm tốt công việc của mình, trau dồi đạo đức, chuyên môn và kiên định với điều thiện, dần dần mọi chuyện sẽ thay đổi.

Để kết lại, chúng ta có thể thấy rằng, để thuyết phục người khác lắng nghe mình chúng ta không chỉ cần một tài năng, một năng lực nào đó, mà chúng ta còn cần cả trí tuệ và đạo đức. Trí tuệ để nhìn nhận lại bản thân, và đạo đức để đem lại lợi ích cho mọi người mọi việc. Hy vọng rằng các bạn đều luyện tập và hoàn thiện bản thân hơn nữa nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong video tuần sau. Đừng quên like share và subscribe kênh nha.

 

Quyền lực vừa có lợi, vừa có hại, mời mọi người xem bài giảng này để hiểu hơn ạ: Triết lý về quyền lực: https://www.youtube.com/watch?v=t_Qt0ErZ6cQ