Bí mật của sự lạc quan | P1 | HatBuiNho

 

Có 2 người bạn, Hùng và Tuấn cùng làm chung 1 dự án. Đến khi trình sếp kết quả thì sếp bảo: 2 cậu làm tệ quá, kiểu này sao khách hàng chịu, bỏ hết làm lại từ đầu đi. 
Lúc này Hùng nghĩ rằng: haiz, công sức bấy lâu mà phải làm lại, ông sếp này khó tính quá đi mất, chịu không nổi ông sếp này.
Tuấn thì lại nghĩ rằng: làm lại cũng tiếc thật, mà sếp thì cũng phải đáp ứng nhu cầu khách hàng thôi, dự án đúng là còn thiếu sót những điều như sếp nói. Ờ mà sếp chỉ mình mới biết mà cải thiện được, làm lại sẽ giúp mình giỏi hơn mà. 
 
Chiều hôm đó, thực tập sinh do Tuấn và Hùng hướng dẫn báo do sơ xuất nên làm hỏng máy cắt CNC. 
 
Hùng nghĩ: haiz, sao cái thằng này bất cẩn vậy trời, mình đúng là số nhọ, sáng sếp chửi, chiều thì cấp dưới làm hỏng việc. 
 
Tuấn nghĩ: chậc, mới ra trường mình cũng từng ngáo ngơ thế này, 1 phần cũng do mình chưa dặn dò kĩ chỗ kia. Thôi coi như đây sẽ là bài học giúp mình đào tạo kĩ lưỡng hơn về sau.  
 
 
Về đến nhà, bạn của Hùng và Tuấn gọi: ê tụi bây, tao mới được thăng chức lên lương nè, tối qua ăn mừng đi
 
Hùng nghĩ: ơ cái thằng, bị sếp chửi đang bực, còn ăn mừng cái gì. Sao mà đời mình đen, bạn bè lên chức, mình thì cứ… 
Tuấn nghĩ: wao, nghe mừng ghê, qua bao nhiêu ngày nó cố gắng, cuối cùng cũng có thành quả, ghé qua chúc mừng nó mới được. 
 
 
Bạn thấy gì trong 2 câu chuyện vừa rồi? 
 
Tuấn có thái độ rất tích cực, mọi thứ với Tuấn đều đẹp, đều vui, họ nhìn đâu cũng thấy tốt, thấy hay.
 
Và Hùng có thái độ tiêu cực, phàn nàn, than thở, nhìn đâu cũng thấy chán, nhìn đâu cũng thấy xấu, thấy dỡ.
 
Vậy điều gì đã khiến trong cùng 1 hoàn cảnh, nhưng Tuấn thì lạc quan yêu đời, còn Hùng thì ngược lại?
 
Đó là vì Tuấn luôn nhìn thấy ưu điểm của sự việc, con người, hoàn cảnh xung quanh và Hùng thì luôn nhìn ngược lại, toàn là nhược điểm. Nhìn đâu cũng thấy hay, thấy tốt thì Tuấn phải vui vẻ lạc quan thôi. Còn nhìn đâu cũng thấy dỡ, thấy xấu thì Hùng phải buồn, phải chán đời thôi. 
 
Thế thì lý do vì sao Tuấn thì luôn nhìn thấy ưu điểm còn Hùng luôn thấy nhược điểm? Có tới 3 lý do tạo ra sự khác biệt này, nhưng ở phần 1 này, chúng ta sẽ đi qua nguyên nhân thứ nhất đó là:
 
” Khi thương quả ấu cũng tròn. Khi ghét, quả bồ hòn cũng vuông”
Câu này thì nghe nhàm quá rồi đúng không ạ. Chúng ta nhìn người mình thích, mình mến, mình thương thì tự nhiên toàn lấy ưu điểm (giống như Tuấn), và ngược lại, chúng ta nhìn ai cũng thấy khuyết điểm là do mình không thích, không mến, không thương họ (giống như Hùng). 
 
Bản thân mình cũng thế thôi, mến ai thì thấy cái gì họ cũng tốt, cũng hay. Còn ghét ai rồi thì mình chỉ thấy toàn khuyết điểm của họ thôi, dù họ có ưu điểm, mình cũng suy diễn thành khuyết điểm luôn cho bỏ ghét. Vd như người ta hay giúp đỡ người xung quanh thì mình sẽ suy diễn là: “xì, bày đặt lấy lòng người xung quanh chứ tốt lành gì”
 
Suy rộng ra, nếu càng ghét nhiều người thì chúng ta càng thấy nhiều cái xấu, cái dỡ, cái tệ xung quanh mình. Và đương nhiên là chúng ta sẽ không lạc quan vui vẻ được. Vậy nên muốn lạc quan vui vẻ chúng ta phải thương được người xung quanh mình. ờ…Có thể bạn sẽ nói: trời ơi, cái thằng đó, cái con đó nó dữ quá, nó đang ghét quá sao mà thương nổi.
 
Um… bạn nói vậy cũng đúng, mình cũng nhiều lúc nghĩ vậy đó. Nhưng rồi mình nghĩ lại, nếu mà người đó thật sự chỉ có những những điều đáng ghét như mình nghĩ thì …. tại sao vẫn có những người yêu quý họ, làm bạn với họ, làm người yêu của họ ??? Đúng là trong xã hội đôi khi cũng có những người mà ai cũng ghét kể cả cha mẹ mình, kiểu như cả thế giới đều căm ghét, nhưng người như vậy hiếm lắm. Đa số mọi người ai cũng có vài người bạn, người thân, người yêu…, chứng tỏ rằng người đó không phải chỉ có tính xấu như mình nghĩ. Vậy nên cái mình kết luận là: cái người đó đó chỉ toàn điều đáng ghét thật ra đã bị tình cảm thương ghét chi phối trước đó rồi. Các vị thiền Sư có dạy “tình xanh thì trí cách mà, khi tình cảm lấn áp thì tự nhiên lý trí nó phán đoán sai hết.
 
Vậy giờ chúng ta công nhận là vấn đề là do chúng ta thương hay ghét chứ không phải chỉ do người ta. Và cũng thấy là cần phải thương người xung quanh thì mình mới vui vẻ lạc quan được. Nhưng mà thương khó quá? hix hix . Không sao đâu! Sau đây ad sẽ chia sẽ lại 2 bí kíp ad được học để có thể thương được người xung quanh dễ dàng hơn.
 
1.Nguyên nhân ẩn dấu.
Sáng sớm Chủ nhật trên ga tàu điện ngầm ở New York, tất cả các hành khách đều đang ngồi im lặng. Một người đàn ông bước lên, dắt theo những đứa con khá ồn ào. Chúng chạy nhảy và xô đẩy nhau, trong khi người bố ngồi bất động với đôi mắt vô hồn. Ai nấy trên tàu đều bất mãn, đến mức một người đàn ông buộc phải nhắc nhở: “Anh có thể quản lý con cái mình được không?”
Tới lúc này, người bố mới ngước mắt lên nhìn, như vừa tỉnh khỏi cơn mơ. Anh thì thầm: “Vâng, tôi nghĩ tôi cần chăm sóc chúng. Mẹ chúng vừa qua đời cách đây 1 tiếng. Bố con tôi vừa mới ra khỏi bệnh viện. Tôi bất lực quá; có lẽ lũ trẻ cũng vậy”.
 
Đây là một câu chuyện có thật mà chính Steven Covey – tác giả cuốn sách “7 Thói quen của bạn trẻ thành đạt” – đã gặp.  Ông đã chia sẽ lại rằng: “Tôi rất tức giận với bản thân, trách móc sự ích kỷ của mình”, ông nhớ lại. “Tôi nói với anh ấy: ‘Vợ anh vừa mới qua đời ư? Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi có thể làm gì cho anh đây?”.
 
Câu chuyện này cho chúng thấy rằng: mọi người xung quanh đều có 1 lý do nào đó khiến họ cư xử hành động như chúng ta thấy. Mà thường thì chúng ta chỉ nhìn vào bề mặt của sự việc rồi kết luận liền thôi. Nếu ai đó có tính cách rất đáng ghét, hãy biết rằng điều đó do nhiều nguyên nhân lắm. Có thể đó là vì họ sinh ra trong 1 gia đình bất hạnh, cha mẹ họ có tính cách không tốt, hàng xóm không tốt, bạn bè không tốt và họ bị ảnh hưởng theo thôi. Hoặc nói theo nhân quả thì họ có thể từng là người được rất nhiều người yêu mến, nhưng chỉ vì khởi tâm khinh thường những người có tính cách thô kệch và rồi giờ họ phải trở thành như thế. Hoặc nhiều khi đơn giản là họ đang trong giai đoạn stress, công việc thất bại, buồn bực chuyện gia đình, đau nhức bệnh tật … nên không kìm được rồi giận cá chém thớt thôi. Sức khỏe coi vậy chứ nó ảnh hưởng tâm lý ghê lắm, người yếu bệnh thì thường khó mà kiểm soát chính mình.
 
Vậy nên, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu những nổi khổ người khác và thương được họ. Nếu chúng ta cố gắng chậm lại, đừng vội kết luận, cố gắng tìm nguyên nhân sâu xa của mọi thứ thì tự nhiên chúng ta cũng sẽ thấy ai cũng có điều gì đó để thương cả.
 
Hoặc nếu không có thời gian tìm hiểu thì chúng ta hãy cứ biết rằng chắc chắn rằng: “Họ luôn có nỗi khổ tâm nào đó nên mới vậy”. Trừ những người có đạo đức rất lớn, bất cứ người bình thường nào trên đời này đều có nổi khổ cả.
Người nghèo khổ vì thiếu ăn thiếu mặc thiếu vật chất là điều dễ thấy. 
Người giàu vẫn khổ vì họ vẫn có nỗi sợ phải lìa xa những người họ yêu quý, những điều họ yêu thích. Nhà họ vẫn sẽ có người chết, tài sản của họ cũng sẽ hư hao, địa vị của họ cũng có lúc bỏ lại…
Người giàu vẫn khổ vì họ vẫn phải đối diện với điều họ không thích, những người họ không thích.
Vd như họ thường hay bị chỉ trích, thậm chí là coi thường nếu không chia sẽ những gì họ có. Thậm chí tỷ phú Jack Ma còn chia sẽ, Ông thường xuyên bị áp lực phải quan tâm xem người xung quanh đang kỳ vọng gì ở mình và cố gắng đáp ứng họ. 
Tóm lại là chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu nỗi khổ của người khác thì chúng ta sẽ thương được họ, thương được họ thì sẽ thấy ưu điểm của họ, và khi thấy nhiều ưu điểm của họ thì chính chúng ta sẽ trở nên lạc quan, vui vẻ. Tìm hiểu nổi khổ cũng là thói quen của người hay thông cảm cho người khác. Để có thể rèn luyện được tính cách này, mời mọi người nghe thêm bài giảng: “Cảm Thông” trong mô tả hoặc comment ạ.
 
 
Chúng ta sẽ tiếp tục với cách thứ 2:
2.Nhớ vô thường.
Về nguyên tắc tâm lý, sở dĩ chúng ta không thương được người khác là do bản năng ích kỷ chỉ biết lo cho mình của mỗi người. Ai cũng có bản năng này cả, mình cũng có luôn, có hơi bị nhiều nữa. Tuy nhiên có những người bản năng này ít, nhưng ít thôi chứ chỉ có Bậc Thánh thì mới hoàn toàn diệt được bản năng này. Người nào bản năng ích kỷ càng nhiều thì càng khó thương được người khác. Nên nếu mình thấy khó mà thương người xung quanh quá thì biết là bản năng ích kỷ của mình lớn lắm, phải làm cho bản năng ích kỷ nhỏ lại thì mới thương người khác được.
 
Và để giảm bớt sự ích kỷ, mình được dạy được 1 cách rất hiệu quả là: Chiêm nghiệm thật sâu sắc, thường xuyên về sự vô thường, sự không ổn định, sự thay đổi, biến mất của những thứ thuộc về mình. Bao gồm tiền bạc, danh vọng, của cải vật chất… và trên hết là cái cơ thể này cũng vô thường, rồi cũng già, cũng chết, cũng nhăn nheo xấu xí, cũng tan thành tro bụi luôn.
 
Vì sao chiêm nghiệm về sự vô thường lại có tác dụng diệt trừ sự ích kỷ? Vì sự ích kỷ được tạo ra từ cảm giác: những thứ thuộc về mình sẽ tồn tại mãi. Việc chiêm nghiệm về sự vô thường giúp chúng ta xóa bỏ cảm giác tồn tại mãi của những thứ thuộc về mình, từ đó nó cũng xóa bỏ sự ích kỷ.
 
Bạn nào từng bị mất người thân sẽ dễ hiểu được điều này. Tự nhiên lúc người thân mình mất, mình chợt cảm thấy mọi thứ nó vô thường, lòng tham mình giảm bớt đi, mình dễ cho đi, dễ tha thứ, dễ thương người xung quanh hơn. Hoặc bạn nào đi viếng nghĩa trang cũng cảm nhận được phần nào sự vô thường. Trong khu mộ, có những người giàu có lừng lẫy, nổi tiếng, nhưng rồi giờ thì cũng chẳng còn mấy người nhớ tới, tài sản, địa vị của họ giờ cũng đã thuộc về người khác… rồi mình cũng tự nhiên thấy những thứ thuộc về mình cũng không còn quan trọng lắm nữa…  Đó, đó chính là lúc tâm ích kỷ được giảm bớt nhờ nhớ về sự vô thường.
 
Nhưng có điều là bản năng ích kỷ rất to lớn, mỗi lần chiêm nghiệm vô thường chỉ giúp chúng ta giảm sự ích kỷ đi 1 chút. Khi chúng ta quên vô thường thì ích kỷ trở lại nên mình cứ phải chiêm nghiệm mỗi ngày mãi. Đó là lý do vì sao thiền của Phật dạy, có phần nhớ vô thường, ai ngồi thiền đúng theo lời Phật dạy mỗi ngày, có quán nghiệm về sự vô thường của cơ thể chính mình thì dần dần sẽ bớt đi sự ích kỷ và dễ thương được người xung quanh hơn. Bạn nào muốn học thiền thì có thể xem link trong comment hoặc mô tả ạ.
 
—————————-
 
Với 2 điều vừa rồi, nếu như lúc nào chúng ta cũng cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hành động của người khác và thường xuyên nhớ về sự vô thường của những thứ thuộc về mình thì chúng ta sẽ dễ thương được người xung quanh hơn. Khi thương được người xung quanh rồi, tự nhiên chúng ta sẽ thấy ai cũng có cái hay, cái tốt, cái tuyệt vời, và tất nhiên, chúng sẽ cảm thấy yêu đời, vui vẻ, lạc quan hơn liền. 
 
Cảm ơn mọi người đã xem video, đừng quên like, share, subscribe để giúp nhiều người có cuộc sống lạc quan hơn ạ. Hẹn gặp lại các mọi người ở những video tiếp theo.
 
 
 
Bài giảng “Cảm thông”:  http://bit.ly/Cam_Thong
Địa chỉ học thiền:  https://hatbuinho.com/hoat-dong-thien-nguyen/