4 cách cân bằng cảm xúc | HatBuiNho

 

 
“Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.
 
Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tỉnh nói: – Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.
 
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.
 
Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.
 
 Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: – Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
 
Con trai của ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.
 
Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.
Ông lão thản nhiên nói: – Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà tránh được họa khác.
 
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.”
 
Người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc. Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.
 
 
Sau khi nghe câu chuyện mọi người đã đoán ra tuyệt chiêu cân bằng cảm xúc là gì chưa ạ? 
 
Đó chính là: mỗi khi được may mắn hãy nghĩ đến xui rủi, và mỗi khi bị xui rủi hãy nghĩ đến may mắn. Chính nhờ cách suy nghĩ này mà ông lão không quá vui mừng trước những may mắn hay quá buồn bã bất ngờ trước xui rủi. Không quá vui hay quá buồn trước thăng trầm của cuộc sống thì cảm xúc tự nhiên được cân bằng.
 
Áp dụng vào đời sống hằng ngày.
 
Chưa cần những sự kiện đặc biệt như ông lão, hằng ngày cảm xúc của chúng ta vẫn lên xuống thất thường bởi nhiều lý do lắm, trong đó có khi là sự công nhận, đồng tình, những lời khen làm chúng ta vui lên tận mây xanh, có khi là sự phủ nhận, phản đối, những lời chê làm chúng ta nóng rát cả mặt. 
 
Mình được học 1 quy luật tâm lý là nếu được khen, được công nhận, được đồng tình mà càng vui bao nhiêu thì khi bị chê, bị phủ nhận, bị phản đối thì mình sẽ càng buồn bấy nhiêu. 
 
Vậy nên khi được khen, được công nhận, đồng tình, trước tiên là chúng ta nên biết ơn, tôn trọng người khen vì phải có đạo đức mới khen chúng ta thật lòng được. 
 
Sau đó cũng như ông lão trong câu chuyện, hãy nhớ tới sự vô thường, khen đó chứ rồi cũng chê đó à, công nhận đó rồi phủ nhận đó, đồng tình đó rồi phản đối đó, thả tim đó rồi thả mặt quạu đó luôn. 
 
Khi luôn nhớ như vậy thì chúng ta sẽ không quá vui khi được khen, từ đó cũng không quá buồn khi bị chê, xem chuyện được khen không quan trọng nhưng đồng thời vẫn giữ được tâm yêu quý tôn trọng người khác.
 
Tuy nhiên, khi bị chê, bị phủ nhận, bị phản đối, thì chúng ta lại KHÔNG ĐƯỢC nghĩ rằng rồi sẽ được khen, được công nhận, được đồng tình vì nghĩ vậy chúng ta sẽ không nhìn ra khuyết điểm của bản thân mà sửa, thành ra kệch kỡm, lố bịch … 
 
Khi bị chê, chúng ta nên cố gắng lắng nghe và tìm cách khắc phục nếu người kia chê đúng. Tuy nhiên, để làm được vậy, chúng ta phải bỏ qua cảm giác khó chịu khi bị chê thì mới đánh giá được người kia chê đúng hay sai. Cảm xúc khó chịu này đôi khi rất nhẹ, nhưng rất nhẹ thôi cũng đã ảnh hưởng lên tính chính xác của đánh giá.
 
Bản thân mình cũng thế, cái gì làm mình khó chịu là mình dễ phản đối lắm, nên người ta chê mà mình thấy khó chịu là mình cũng dễ kết luận người ta chê sai rồi, mình có sai có dỡ gì đâu. 
 
Vậy nên, chỉ khi nào bị chê mà tâm chúng ta không bị khó chịu, cảm xúc được cân bằng, chỉ muốn tìm xem chúng ta có sai gì không thì mới kết luận chính xác hơn được.
 
Vậy thì làm sao để nhận ra cảm giác khó chịu, dừng nó lại và cân bằng cảm xúc để chỉ muốn tìm xem mình sai chỗ nào? Mình được biết rằng tập thiền Phật dạy và rèn luyện tâm khiêm hạ sẽ giúp chúng ta không bị khó chịu khi bị chê bai. Tại sao? 
 
Vì thiền Phật dạy giúp chúng ta nhận ra các cảm xúc khó chịu của mình từ khi nó còn rất nhẹ, khi mình nhìn thấy được cảm xúc khó chịu của mình thì tự nhiên nó cũng giảm đi, ai đủ duyên thì nó mất luôn. 
 
Còn tâm khiêm tốn giúp chúng ta luôn nhớ rằng chúng ta còn kém dỡ, nhớ rằng rất nhiều người giỏi hơn chúng ta nên khi bị chê, chúng ta thấy đó là bình thường, không khó chịu. Chúng ta có phải là người giỏi nhất mọi lĩnh vực đâu, nên bị chê là tất nhiên rồi. Hơn nữa, những lúc chúng ta sai, chúng ta dỡ thì phải có người chê chứ không là chúng ta cứ nghĩ vậy đúng rồi, giỏi rồi và làm hỏng việc với những suy nghĩ, tính toán, quan điểm sai của chúng ta. Cổ nhân cũng có dạy: “Người chê mình mà chê đúng ấy là thầy của mình” mà. 
Mọi người muốn học thiền và và tìm hiểu thêm về tâm khiêm tốn có thể xem trong mô tả hoặc comment ạ.
 
Tóm lại tuyệt chiêu để cân bằng cảm xúc gồm có 4 điều: 
 
 
  • Nhớ về mặt tiêu cực của những may mắn, mặt tích cực của những xui xẻo xảy đến với mình.

 

  • Nhớ về sự vô thường, biến đổi của những lời khen, sự công nhận, sự đồng tình nhưng vẫn biết ơn, tôn trọng đạo đức của người khen mình thật lòng.

 

  • Thực tập thiền Đức Phật dạy.

 

  • Rèn luyện tâm khiêm hạ.
Chúc mọi người ai cũng sẽ cân bằng cảm xúc để cuộc sống an vui hơn. Cảm ơn mọi người đã xem video, đừng quên like share để nhiều người được an vui hơn ạ.