Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân

Link đăng ký miễn phí kênh Hạt Bụi Nhỏ: https://goo.gl/TAMb4N

Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là 1 kỹ năng quan trọng, nó giúp cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn, tránh được tình trạng cháy túi vào cuối tháng, căng thẳng vì thiếu tiền. Ngoài ra còn có tài chính để học thêm nhiều thứ, có tiền để làm những việc có ý nghĩa. Cụ thể thì mình xin chia sẽ kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân của mình như sau:

1.Quỹ thiết yếu: <80%

Lý do lập quỹ này là để cân đối số tiền tiêu xài hằng ngày cho hợp lý.

Vd: Trong tháng có những lần đi ăn nhà hàng, hàng quán bên ngoài. Nếu mình không giới hạn thì rất dễ rơi vào tình trạng cháy túi vào cuối tháng. Nếu chúng ta giới hạn số tiền đi ăn bên ngoài, thì khi ăn hết số tiền đó thì tự biết dừng mà về tự nấu ăn cho đủ chi tiêu cả tháng.

Quỹ này nên ghi chi tiết ra để khi nhìn lại là biết có thể tối ưu, tăng giảm từng khoảng nào cho phù hợp hơn. Chi tiết quỹ thiết yếu của 1 người độc thân có thể như sau:

Nhà + Điện nước + Điện thoại + Ăn uống bên ngoài + Đi chợ nấu ăn + Xăng +  Mua sắm linh tinh + Phụ sinh

Tổng cộng quỹ thiết yếu nên dưới 80% thu nhập. Vượt quá mức này thì không còn tiền cho các hoạt động khác. Nếu sau khi liệt kê chi tiết mà vượt quá mức này thì xem lại coi có thể giảm được cái nào.

Vd: Ăn uống bên ngoài nhiều quá thì giảm bớt, chỉ lâu lâu gặp bạn bè thì đi ăn ngoài còn lại tự nấu ăn. Tiền nhà nhiều quá thì tìm nhà rẻ hơn hoặc ở kí túc xá, ở ghép …Tiền nhà và điện nước không nên vượt quá 30% thu nhập. Rồi tiền điện thoại xem có cách nào gọi rẻ hơn không…Mỗi thứ mình giảm đi 1 chút vậy mà cộng lại thành nhiều.

 

2.Quỹ khẩn cấp:

Quỹ này nên bằng chi tiêu tối thiểu của chúng ta trong 6 tháng, đề phòng khi thất nghiệp, đau ốm

Ví dụ: Chi tiêu tối thiểu mỗi tháng là 4 triệu thì cần có 24 triệu.

Quỹ này được tạo ra bằng cách tiết kiệm dần dần 5% tổng thu nhập mỗi tháng của chúng ta. Quỹ này là quỹ cố định, khi đủ rồi cứ để đó không đụng vào và nên chuyển sang ngoại tệ mạnh như USD để khỏi trượt giá.

Cách dễ nhất để có quỹ này là bớt xa xỉ lại. Không chỉ đồ đắt tiền mới là những đồ xa xỉ. Tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Ví dụ:

  • Nhậu nhẹt vô bổ là xa xỉ. Hút thuốc cũng là xa xỉ. Nước ngọt, cà phê là xa xỉ. Trà sữa giá gấp đôi tô phở là xa xỉ trừ khi lâu lâu gặp bạn. Ngày xưa mình đi làm, giám đốc cty mình đi xe hơi cả vài tỷ, nhưng luôn luôn đem bình nước ở nhà đi để uống. Hiếm khi nào mua nước linh tinh bên ngoài, trừ khi tiếp khách, tiếp bạn.
  • Mua điện thoại đời mới nhất thay vì mua một con điện thoại chỉ đủ xài cũng là xa xỉ. Mua con xe máy cả trăm triệu là xa xỉ. Nhiều bạn thích mua điện thoại để bằng bạn bằng bè là điều rất vô lý. Sự thật là sau khi mình sở hữu chiếc điện thoại xịn, xe xịn những người bạn của mình khen không quá 10 lần. Sau đó thì chẳng để ý nữa, vì chỉ cần 1 vài tuần sau là ra đời cái điện thoại khác còn xịn hơn nhiều. Không lẽ cứ phải còng lưng ra mua điện thoại xịn để có được vài lời khen ? Ai nói xài điện thoại xịn để làm ăn mình thấy cũng không đúng lắm, vì mình gặp nhiều người giám đốc xài điện thoại rất bình dân, còn thua cả các bà mẹ ở nhà chăm con…

Mình học được 1 câu khá hay thế này: Đừng để người ngoài đánh giá mình qua những vật chất mình sở hữu, vì khi những thứ đó mất đi, mình sẽ là con số 0 tròn trịa, rõ ràng và sắc nét trong mắt người khác. Nghĩa là những người đến làm bạn với mình vì vật chất mình có, thì khi mình sa cơ thất thế họ sẽ không xem mình là bạn nữa. Vậy nên, muốn có bạn thật thì cứ sống bình thường, xài điện thoại bình thường, đi xe bình thường. Ai chơi được với con người bình thường đó thì mới là bạn thật sự.

 

3.Quỹ đầu tư: 5%

Chắc các bạn sẽ thắc mắc là đầu tư cái gì? Đầu tư ở đây mình muốn nói đến là đầu tư vào bản thân chứ vì mọi thứ mất hết nhưng nếu bản thân đủ giỏi, đủ phẩm chất, và có phước thì vẫn làm lại được. Quỹ này nên chiếm khoảng 5% thu nhập mỗi tháng. Cụ thể nó dành cho những hoạt động như:

  • Học thêm kĩ năng.

Ngay lúc này, nhiều ngành nghề, kĩ năng mà 10 năm trước không hề tồn tại đang rất thiếu nhân lực. Và nhiều ngành nghề, kĩ năng của 10 năm trước thiếu người thì nay đã rơi vào dư thừa nhân lực. Vậy nên nếu chúng ta không muốn tụt hậu, thất nghiệp trong thời đại này thì chúng ta buộc phải học thêm liên tục. Còn cứ thỏa mãn với các kĩ năng đang có thì sớm muộn gì cũng bị đào thải. Cụ thể phải học kĩ năng gì thì các bạn xem robot, AI chưa làm được gì thì học kĩ năng đó.

  • Chơi thể thao.

Chơi thể thao chính cũng chính là đầu tư vào bản thân, bạn có thể làm việc ít lại 1 chút để chơi thể thao thì vẫn có lợi hơn nhiều so với việc ráng làm thêm 1 chút mà không có thể thao. Vì chơi thể thao giúp ít bị bệnh lại, bớt gánh nặng cho quỹ khẩn cấp. Chơi thể thao cũng giúp làm việc cũng hiệu quả hơn. Theo thống kê thì người Việt nằm trong top 10 lười vận động nhất thế giới, năng suất lao động cũng rất thấp so với thế giới. Mình nghĩ 2 điều này liên quan với nhau, sức khỏe không có thì làm bằng ai nổi. Khoa học cũng đã chứng minh là sức khỏe cơ thể ảnh hướng tới trí não rất nhiều. Sức khỏe không có thì đầu óc cũng mụ mẫm theo.

 

4.Quỹ ý nghĩa sống: 10%

Quỹ này nên chiếm khoảng 10% thu nhập mỗi tháng và chi vào các khoảng:

  • Quà tặng, chăm sóc cho cha mẹ, người thân.
  • Giúp đỡ người nghèo, làm việc thiện nguyện nào đó.

 

Về % của quỹ này thì còn tùy vào khả năng và đạo đức từng người mà có xê dịch. Ở đây là mình lập ra với người sống độc thân, lương từ 7-10 triệu /tháng. Nếu nhiều hơn 10 triệu thì có thể tăng ý nghĩa sống lên. Nếu ít hơn 7 triệu thì có thể giảm xuống 1 chút nhưng ai cũng phải có. Nếu không có thì chúng ta quá ích kỷ, vì tất cả các quỹ khác đều là chỉ lo cho bản thân, chỉ có quỹ ý nghĩa sống là lo cho người khác. Không có quỹ này thì chúng ta sẽ sống ích kỷ mãi, mọi điều đạo đức mình học được chỉ là lý thuyết chứ chưa ứng dụng được.

Ngoài ra quỹ này còn giúp chúng ta tròn trách nhiệm với gia đình, có phước để cải thiện cuộc sống ổn định hơn và cũng có thêm thời gian để làm nhiều điều ý nghĩa khác.

Và nếu lần đầu xem kênh, đừng quên đăng ký kênh, like, share nếu bạn thấy hữu ích ạ. Cảm ơn các bạn đã xem clip.

 

Riêng về việc làm từ thiện, có những lúc mình tưởng làm thiện nhưng lại là làm ác hoặc làm việc vô ích. Cụ thể như thế nào mời các bạn dành 90 phút nghe bài giảng sau để tránh ạ: http://bit.ly/Dieu-Thien-Hoan-Hao