Bao dung còn không làm được, tư cách gì vùng vẫy biển khơi

Mình có đọc 1 bài viết, trong đó có 1 câu nói khiến mình phải ngừng lại suy nghĩ. Câu nói đó là:
“Làm đàn ông, đến bao dung còn không làm được, thì tư cách gì để vùng vẫy biển khơi?”
Câu nói này như trúng tim đen mình vậy. Bởi vì mình thường hay mơ mộng chuyện vùng vẫy biển khơi, chuyện làm những việc to lớn vĩ đại. Nhưng tự xét lại bản thân thì vẫn chưa bao dung được, vậy mà cứ đòi vùng vẫy biển khơi.
Điều mình thắc mắc là: tại sao cần phải bao dung rồi mới có tư cách để vùng vẫy biển khơi?
Để trả lời câu hỏi này, mình đã tìm định nghĩa về sự bao dung và được kết quả như sau:
Bao dung gồm 2 thái độ là:
1.Tôn trọng và thấu hiểu sự khác biệt của người khác về quan niệm sống, cách ứng xử, sở thích, niềm tin, tôn giáo…
2.Chấp nhận việc người khác làm trái ý mình trong một giới hạn nào đó để giúp họ trở nên tốt đẹp hơn.
Mà 2 thái độ này sẽ giúp chúng ta có được những điều sau:
1. Không bị cảm xúc tiêu cực như buồn bực, tức giận, căm ghét chi phối.
Sự thật là trong cuộc sống chúng ta rất dễ gặp những điều không như ý khiến mình phải buồn bực, nổi giận hoặc căm ghét hay tệ hơn là thù hận. Tất cả những cảm xúc tiêu cực đó sẽ làm mình dễ có những lời nói hay hành động dại dột để rồi khi các cảm xúc đó qua đi thì hối hận.
Bản thân mình đã từng nói những lời nói cay nghiệt làm tổn thương nặng nề người khác chỉ vì cơn giận của mình. Và sau đó thì lại tốn rất nhiều thời gian để hàn gắn, nhưng không thể được như lúc đầu.
Không những thế cảm xúc tiêu cực còn làm cho đầu óc trở nên mụ mẫm thiếu sáng suốt. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất làm việc và học tập.
Một người có lòng bao dung sẽ không bị các cảm xúc tiêu cực đó chi phối. Nhờ vậy mà cũng sáng suốt, thông minh hơn, làm việc và học tập hiệu quả hơn.
2. Có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người.
Một người có tấm lòng bao dung dễ dàng có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người. Vì ai họ gặp ai họ cũng hòa đồng vui vẽ được. Nhờ vậy mà ai tiếp xúc với một người rộng lượng đều có cảm giác dễ chịu và thoải mái. Dù có thể không gặp gỡ thường xuyên, nhưng một người có lòng bao dung sẽ để lại ấn tượng rất khó phai trong lòng người khác.
Và đó là cách tuyệt vời để tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Mà những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững là yếu tố quan trọng của thành công.
3. Có khả năng tạo ra sự đoàn kết xung quanh họ.
Một trong những nguyên nhân chia rẽ phổ biến nhất là không chịu chấp nhận sự khác biệt của người khác. Mỗi người 1 ý không ai chịu hiểu cho ai.
Nhưng nếu 1 người bao dung xuất hiện, sự chia rẽ này dễ dàng được hàn gắn. Bởi vì họ sẽ hiểu và chấp nhận sự khác biệt của từng người. Sau đó sẽ tìm ra điểm chung để gắn kết mọi người trở lại.
Và người làm được điều đó thì thường sẽ được bầu lên làm lãnh đạo. Thành công đến sau đó cũng là điều dễ hiểu.
4. Có khả năng giúp người khác tốt lên.
Khi đối diện với sai lầm của người khác, mình thường rơi vào 2 cực đoan:
Một là quá nghiêm khắc ép buột người khác phải tốt lên ngay lập tức.
Hai là quá dễ dãi, người ta sai trái thế nào cũng chấp nhận.
Nhưng một người có sự bao dung đúng cách thì khác. Họ bình tĩnh chấp nhận sự sai lầm của người khác nhưng họ cũng kiên quyết cảm hóa người khác. Vì thế mà sự bao dung đúng cách không những giúp người phạm sai lầm thấy nhẹ lòng mà còn giúp họ sống tốt lên. Đây cũng là một kĩ năng rất quan trọng của một người lãnh đạo tốt.
Qua bốn điều trên, chúng ta thấy một người có lòng bao dung sẽ có:
  • Khả năng kiểm soát bản thân.
  • Khả năng tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp.
  • Khả năng lãnh đạo.
Có các khả năng trên rồi thì mới nghĩ tới thành công. Khi thành công rồi thì mới nghĩ tới làm việc lớn được.
Vậy làm sao để có lòng bao dung? Sự bao dung bắt nguồn từ sự cảm thông. Mà muốn cảm thông thì phải đặt mình vào vị trí của người khác và có một sự hiểu biết nhất định.
Ví dụ:
Ở nhà, lúc nào mẹ nấu ăn cũng ngon, nhưng hôm nay mẹ nấu không ngon.
Nếu mình biết rằng việc nêm nếm khi nấu ăn phụ thuộc rất nhiều vào vị giác của người nấu, và vị giác bị ảnh hưởng bởi sức khỏe rất nhiều. Thì mình sẽ suy luận ra có thể vị giác của mẹ hôm nay không tốt, mà đó có thể là vì mẹ bị bệnh. Khi biết vậy thì mình sẽ thông cảm được với mẹ.
Cũng có lúc mình không hiểu biết, nhưng chỉ vì tấm lòng của mình là cố gắng cảm thông cho người khác thì tự nhiên mình sẽ có sự hiểu biết để rồi cảm thông cho họ.
Ví dụ cũng như trường hợp mẹ nấu ăn dỡ bên trên, mình không biết gì về việc nêm nếm thức ăn cả. Nhưng vì mình cố gắng tìm cách để cảm thông nên sẽ hỏi mẹ, vì sao món ăn hôm nay mặn với thái độ cảm thông, thì mẹ sẽ mở lòng ra nói lý do cho mình. Nhờ đó mà mình sẽ biết rằng khi bị bệnh người ta thường nấu ăn dỡ hơn bình thường.
Khi mình thường xuyên cảm thông với người khác như thế, chấp nhận được những điều trái ý nho nhỏ như thế thì sau này mình sẽ có thể bao dung trước những chuyện lớn được.
Cũng cần lưu ý lại là sự bao dung là trong tâm, nhưng thể hiện ra bên ngoài thì tùy hoàn cảnh. Có lúc thể hiện ra là sự tha thứ nhẹ nhàng, nhưng có lúc phải là sự trách phạt để người khác tốt lên.
Ví dụ như một người vì hoàn cảnh túm quẩn nên phải đi ăn cắp để sống qua ngày thì có thể tha thứ nhẹ nhàng. Nhưng một người chuyên ăn trộm nhiều năm rồi thì phải cần phải để công an cải tạo dù rằng trong lòng vẫn tha thứ không căm ghét họ. Còn lúc đó mà mình thể hiện ra là sự tha thứ nhẹ nhàng thả họ đi, thì nhiều nhà khác lại bị mất trộm tiếp.
Cuối cùng thì những gì mình chia sẽ trên đây chỉ là sự hiểu biết  cạn cợt của mình về sự bao dung mà mình học được trong Đạo Phật. Sự bao dung, cảm thông của Đạo Phật còn vĩ đại hơn rất nhiều.
Chúc các bạn đều rèn luyện được lòng bao dung để làm nền tảng bền vững cho sự thành công.
Hãy đăng ký để theo dõi clip mới nhất và đừng quên like share nếu bạn thấy hữu ích.

Leave a Reply